Bùng phát dịch đậu mùa khỉ & nguy cơ toàn cầu
Một biến thể của bệnh đậu mùa khỉ lan khắp CH Congo trong nhiều tháng và hiện đang trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, tác động chủ yếu đến các quốc gia nghèo và đang phát triển. Ðiều này một lần nữa cho thấy, y tế thế giới đã không phản ứng kịp thời trước các nguy cơ này.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1958 và ca nhiễm đầu tiên ở người được xác định vào năm 1970. Tuy nhiên, hàng thập niên sau đó, bệnh này gần như không được cộng đồng khoa học và y tế công cộng lưu tâm vì xem đây là căn bệnh truyền nhiễm không phổ biến, chỉ xuất hiện ở khu vực châu Phi và không dễ lây lan toàn cầu. Tình trạng thiếu vắc-xin cùng với sự thiếu hợp tác quốc tế và các vấn đề tài chính đã trì hoãn những ứng phó kịp thời đối với căn bệnh này.
Ngay cả khi mối đe dọa từ dịch đậu mùa khỉ quay trở lại vào năm 2023 và Chương trình Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), tổ chức chịu trách nhiệm phân phối vắc-xin toàn cầu, bày tỏ lo ngại, CH Congo vẫn chần chừ trong việc chính thức yêu cầu hỗ trợ vắc-xin. Trong khi đó, nhiều quốc gia, tổ chức cố gắng có động thái hỗ trợ nhưng chỉ bắt đầu bằng phương thức ứng phó chung.
Xét nghiệm 1 bệnh nhân nhiễm vi rút đậu mùa khỉ tại Congo, tâm điểm của dịch bệnh này. Ảnh: AP
Tình hình ở Congo còn trở nên phức tạp hơn bởi nhiều nguy cơ sức khỏe khác, như dịch sởi hay khủng hoảng nhân đạo với 1,7 triệu người bị mất nhà cửa ở “ổ dịch”. Khoảng 15.700 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ ở nước này, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Bộ trưởng Y tế công cộng Roger Kamba ước tính cần 3,5 triệu liều vắc-xin, tương đương với hàng trăm triệu USD.
Chỉ khi bùng phát dịch đậu mùa khỉ xuất hiện các nước phát triển mới đây, các bên mới đầu tư rất nhiều cho các nghiên cứu khoa học. Sau khi dịch diễn biến phức tạp và nguy cơ cao lây lan sang nhiều quốc gia, ngày 14.8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ. Trước đó, đầu năm 2022, WHO từng tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng được gỡ bỏ vào tháng 5.2022.
Ông Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cho rằng, chiến tranh và các mối đe dọa khác đã trở thành mối quan tâm chính của đa số quốc gia sau dịch Covid-19. Trong khi đó, bùng phát dịch đậu mùa khỉ là hồi chuông cảnh báo rằng nếu lơ là giám sát dịch bệnh thì chúng có thể “quay lại và cắn chúng ta”.
Theo Giám đốc điều hành GAVI, Sania Nishtar, sự phối hợp là điều rất quan trọng trong ứng phó với dịch bệnh. “Chúng ta đều thảo luận với các nhà tài trợ như nhau, đó là tín hiệu rất tốt, nhưng chúng ta cần phối hợp và hy vọng là sẽ có một cơ chế phối hợp trong thời gian đến”, bà nói. Đồng tình quan điểm này, ông Javier Guzman, Giám đốc phụ trách chính sách toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhấn mạnh, nếu không ứng phó nhanh chóng, dịch bệnh này sẽ lan sang các quốc gia khác.
Hiện nhiều nước dự trữ hàng trăm nghìn liều vắc-xin để sẵn sàng tài trợ. Chẳng hạn như Mỹ có kế hoạch tài trợ 50.000 liều và nước này cũng còn hàng triệu liều nữa; Anh xác nhận dự trữ vắc-xin nhưng không công bố chi tiết; Đức có 117 nghìn liều. Sau những đợt hỗ trợ ban đầu, vắc-xin sẽ cần được đặt hàng qua các công ty dược phẩm, như Bavarian Nordic (Đan Mạch). Ngày 16.8, công ty này cho biết đang chờ EU cho phép sử dụng vắc-xin phòng đậu mùa khỉ cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, vì vắc-xin của Bavarian Nordic hiện chỉ được dùng cho người từ 18 tuổi trở lên.
“Covid-19 và cả bùng phát dịch đậu mùa khỉ giai đoạn 2022 - 2023 cho chúng ta thấy rằng, không thể bỏ qua đợt bùng phát ở một nơi nào trên thế giới”, Giám đốc điều hành Bavarian Nordia, Paul Chaplin, nói.
LÊ QUẢNG (Theo Reuters)