Để giảm nỗi lo phình mạch não
Phình mạch não là một bệnh lý khá phổ biến, dễ để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời. Để giảm nỗi lo phình mạch não, bên cạnh những tiến bộ trong điều trị, công tác khám phát hiện sớm cũng cần được quan tâm hơn.
Trước đây, phẫu thuật thần kinh (đặc biệt là phẫu thuật điều trị bệnh lý phình mạch não) thường đi theo “đường kinh điển” với điểm xuất phát là nơi giao nhau của trán - thùy dương - đỉnh. Với phương pháp mổ này, đường rạch da thường rất dài (15-17cm), độ mở sọ lớn, dẫn đến nguy cơ chảy máu nhiều, khả năng nhiễm trùng cao.
Thêm hy vọng từ phẫu thuật can thiệp tối thiểu
Ngày 15.9.2014, thạc sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh) thực hiện phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não cho bệnh nhân Võ Văn Chiến (44 tuổi, ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) theo phương pháp can thiệp tối thiểu. Đây là ca phẫu thuật thứ 3 áp dụng phương pháp này tại BVĐK tỉnh.
Ở phương pháp can thiệp tối thiểu, đường mổ nằm phía trên cung mày chỉ kéo dài 4cm, độ mở sọ nhỏ, gần như không cần phải truyền máu, không cần dùng ống dẫn lưu. Từ đó, thời gian hậu phẫu cũng ngắn hơn, giảm chi phí điều trị. Thêm một ưu điểm nữa là đường mổ nằm ở vị trí trên cung mày nên bệnh nhân không phải cạo đầu, vết mổ nhỏ khi lành sẽ đảm bảo tính thẩm mỹ.
“Quan trọng nhất là phương pháp này giúp phẫu thuật viên tiếp cận trực tiếp vào vị trí phình mạch não, giải quyết triệt để nguy cơ vỡ và tái vỡ túi phình”, thạc sĩ Nhân khẳng định.
Theo thạc sĩ Nhân, phương pháp can thiệp tối thiểu theo đường trên cung mày chủ yếu được áp dụng khi mổ u hóc mắt. Hiện nay, phương pháp này vẫn chưa được dùng rộng rãi đối với điều trị phình mạch não. Dù có nhiều ưu điểm, nhưng can thiệp tối thiểu này chỉ tạo ra phẫu trường nhỏ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm trong tiên lượng hướng quay của túi phình mới có được hướng tiếp cận phù hợp nhất.
Cần phát hiện sớm
Anh Võ Văn Chiến nhớ lại, chiều tối 4.8, sau khi đi làm về thì đột ngột choáng ngã. Anh được đưa lên BVĐK tỉnh Gia Lai khám, rồi chuyển xuống BVĐK tỉnh Bình Định ngay trong đêm. “Xuống tới nơi, tôi vẫn còn tỉnh, nhưng đã tê liệt nửa người”, anh Chiến cho hay.
Giấy chuyển viện của BVĐK tỉnh Gia Lai ghi rõ chẩn đoán là nghi vỡ túi phình động mạch não. Kết quả kiểm tra tại BVĐK tỉnh Bình Định cho thấy, anh Chiến có tới 3 túi phình động mạch não, 1 trong số đó đã vỡ. Sáng 5.8, anh được phẫu thuật kẹp 2 túi phình nằm ở bán cầu não trái. Ca phẫu thuật thực hiện ngày 15.9 là để kẹp túi phình còn lại, ngăn chặn nguy cơ vỡ.
Thạc sĩ Nhân cho biết, trường hợp được chẩn đoán đúng, xử lý kịp thời như anh Chiến là khá hiếm hoi. Đa số bệnh nhân phình mạch não thường được đưa vào khoa Nội Tim mạch, khoa Truyền nhiễm vì có các triệu chứng cứng gáy, đau đầu, tăng huyết áp, nôn mửa - dễ dẫn đến chẩn đoán viêm màng não và một số bệnh lý khác. Như bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh (58 tuổi, ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn), có tới 2 túi phình động mạch não, nhưng chẩn đoán ban đầu lại là tai biến mạch máu não. Hay trường hợp của bà Đinh Thị Thọ (60 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), sau khi vào BVĐK tỉnh khám đã được nhập viện vào khoa Nội Tim mạch. Sau đó, kết quả chụp chiếu cho thấy hiện tượng xuất huyết dưới nhện nên mới chuyển sang khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống và được mổ vào sáng 11.9. Cả 2 bệnh nhân này đều được mổ theo phương pháp can thiệp tối thiểu.
“Phải nâng cao hiểu biết của cán bộ y tế về bệnh lý phình mạch não. Không ít trường hợp có phim chụp CT-scanner, nhưng do người đọc phim không có chuyên môn nên đã bỏ qua những dấu hiệu bất thường. Máy móc quan trọng, nhưng con người mới là quyết định trong việc phát hiện sớm bệnh lý phình mạch não. Bệnh nhân không bị chấn thương nhưng lại xuất hiện đau đầu, chụp CT-scanner cho hình ảnh xuất huyết dưới nhện thì 80-90% là do vỡ túi phình động mạch não”, thạc sĩ Nhân lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG