Về hai phế tích kiến trúc Champa trên lưu vực sông Lại Giang
Đầu thế kỷ XX, nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier tiến hành khảo sát các di tích Champa trên lưu vực sông Lại Giang, thuộc địa phận TX Hoài Nhơn và phát hiện được hai địa điểm. Nhưng vì nhiều lý do sau hơn một thế kỷ, những phế tích này dần rơi vào quên lãng. Trong đợt điều tra, tìm kiếm các phế tích Champa trên địa bàn tỉnh mới đây, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh đã tìm lại được hai phế tích kể trên.
Phế tích Phú Đước
Phế tích Phú Đước thuộc khu vực Phụ Đức, phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn, tọa lạc trên gò đất thấp, có độ cao 16 m so với mặt nước biển. Phế tích Phú Đước được Henri Parmentier mô tả như sau: “Địa điểm này nằm trên tả ngạn sông Bồng Sơn về phía Nam - Tây Nam và cách sông 500 m hoặc 600 m, trên địa phần làng Phú Đước, cũng gọi là Trung Lương, tổng Trung Yên, huyện Bồng Sơn. Phế tích nằm trên một quả gò thấp. Có thể nhận ra dấu vết bức tường thành hình chữ nhật có tầm quan trọng lớn: Cạnh 50 và 60 m, ở giữa có một gò đất và những phế tích của một ngọn tháp chính, ở phía Đông Nam có ngọn tháp thứ hai hoặc một ngôi miếu và ở phía Tây Nam có một ngọn tháp thứ ba; trước ngọn tháp này có nhiều đống gạch lớn xếp thành hàng, dường như biểu thị một gian nhà lớn; ngược lại ở phía trước không hề có vết tích gì của một ngôi tháp. Ở phía Tây chếch Nam 200, cách 400 m, trên mặt Đông Nam của một tường thành, đã bị sụt lở, lộ ra một cái hang quay mặt về phía Đông. Truyền thuyết người An Nam cho rằng đó là tu viện của Chàm…” (Parmentier 1909: 217-8).
Hiện nay, phế tích Phú Đước nằm cách QL 1 khoảng 500 m về hướng Tây. Xung quanh phế tích, phía Tây và Nam là khu vực người dân trồng cây keo, phía Bắc và Đông là khu dân cư, phía Đông Nam có ngôi đình Phụ Đức. Theo như lời kể của người dân địa phương, khu vực phế tích trước đây là gò đất cao khoảng 3 m, sau quá trình người dân khai thác lấy gạch và trồng đất canh tác nên độ cao của gò đất thấp như hiện nay. Trên đỉnh gò có một khoảng đất sâu lõm xuống khoảng hơn 1 m so với mặt bằng xung quanh. Trên bề mặt phế tích vương vãi rất nhiều gạch Chăm, kích thước trung bình viên gạch dài 38 cm, rộng 17 cm, dày 6 cm. Gạch màu đỏ nhạt, xương mịn, khá đanh chắc.
Gạch Chăm phế tích Phú Đước được phát hiện xung quanh hiện trạng. Ảnh: NHƯ KHOA
Ngoài ra, còn phát hiện các mảnh đá ong, ngói mũi nhọn, là vật liệu được sử dụng phổ biến trong các kiến trúc đền tháp Champa. Nhìn trên một không gian rộng lớn phế tích Phú Đước nằm cách bờ Bắc sông Lại Giang khoảng 500 m. Qua khảo sát hiện trạng kết hợp với những ghi chép của Henri Parmentier vào đầu thế kỷ XX, cho thấy phế tích Phú Đước là một quần thể kiến trúc có quy mô lớn với diện tích khoảng 5.000 m2. Phế tích Phú Đước vẫn còn khả năng nghiên cứu khai quật khảo cổ học.
Phế tích Cánh Thiện
Phế tích thuộc khu vực Song Khánh, phường Hoài Xuân, TX Hoài Nhơn. Phế tích tọa lạc trên gò đất thấp, có độ cao 7,4 m so với mặt nước biển. Phế tích Cánh Thiện được Parmentier khảo tả như sau: “Địa điểm này được xác định qua truyền thuyết và sự hiện diện của gạch Chàm và một ngôi miếu của người An Nam nằm dưới một cây to giữa ruộng, cách sông vài trăm mét và cách Bồng Sơn về phía Đông 2 hoặc 3 km. Không còn nhận ra được gì nữa, chỉ còn thấy có nấm đất nhô lên ở bên trên mặt ruộng thôi. Vị trí thuộc làng Cánh Thiện, phủ Trung Yên, huyện Bồng Sơn” (Parmentier 1909: 218).
Xung quanh phế tích Cánh Thiện hiện nay có nhiều công trình xây dựng. Ảnh: NHƯ KHOA
Hiện nay, xung quanh phế tích là đồng ruộng lúa và đất trồng rau, xen lẫn vài hàng dừa. Cách phế tích 600 m về phía Đông là dòng sông Lại Giang. Trên đỉnh gò phế tích Cánh Thiện là ngôi miếu Thanh Minh, quay cửa về hướng Nam, phía Tây miếu có một am thờ nhỏ. Phía Tây của phế tích, dưới chân gò vẫn còn dấu vết với những viên gạch Chăm, màu đỏ nhạt, nhẹ và xốp. Dựa vào hiện trạng cho thấy diện tích khu phế tích Cánh Thiện khoảng 1.000 m2. Phế tích Cánh Thiện vẫn còn khả năng nghiên cứu.
Trước đây, nghiên cứu văn hóa Champa Bình Định thường tập trung vào các di tích lưu vực sông Côn. Chính vì vậy, việc phát hiện hai phế tích Phú Đước và Cánh Thiện là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ di sản văn hóa Champa tại Bình Định trên một phạm vi rộng lớn hơn.
HOÀNG NHƯ KHOA