Hoàng đế Quang Trung là một nhà văn hóa kiệt xuất
Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ/ (Hịch xuất quân).
Bây giờ, mỗi khi đọc lại lời hịch của Hoàng đế Quang Trung từng vang lên vào giờ xuất quân tiến ra Thăng Long thành đại phá quân Thanh, chúng ta càng xúc động và càng hiểu Con Người này hơn. Mục đích của trận đánh quyết định, trận đánh cuối cùng mà Quang Trung đích thân chỉ huy này chính là để bảo vệ nền văn hóa Việt, phong hóa Việt, nhân cách Việt, và sau hết, là bảo vệ giang sơn Việt, khẳng định chủ quyền của một nước Việt Nam độc lập. Bài hịch có đúng 35 chữ. Lời hịch nôm na, giản dị. Thế mà thành một áng thiên cổ hùng văn, thấm thía biết bao!
Có thể nói, Nguyễn Huệ - Quang Trung là một thiên tài trên nhiều lĩnh vực, một thiên tài toàn diện mà cả nghìn năm có một. Lâu nay, người ta thường nhấn mạnh đến thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Là một người yêu nước vĩ đại, một người “áo vải cờ đào” xuất thân từ tầng lớp bình dân, với Nguyễn Huệ, chỉ có Tổ quốc và Nhân dân mới là hai hằng số vĩnh cửu, mới khiến Ngài suốt đời hiến dâng những năng lực kỳ vĩ của mình cho nó, chứ không phải ở ngôi vua, không phải ở quyền lực và quyền lợi mà ngai vàng mang lại. Điều đó, ngay anh em ruột thịt trong gia đình ông cũng không hiểu hết. Không chỉ là nhà quân sự thiên tài, Nguyễn Huệ - Quang Trung còn là nhà ngoại giao lỗi lạc, người biết lúc nào thì nên đánh, lúc nào thì nên đàm và cách ứng xử mềm mại nhưng đầy sức mạnh của dòng nước đã khiến đối phương phải “tâm phục khẩu phục”, phải công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bởi mục đích cuối cùng của Quang Trung là thống nhất, độc lập cho đất nước và ấm no hạnh phúc cho người dân Việt.
Lý tưởng ấy thể hiện trong từng câu từng chữ ở những trước tác mà Quang Trung để lại, thể hiện ở cách suy nghĩ, thu phục và sử dụng hiền tài của Ông, ở cả cách trừng phạt nghiêm khắc bất cứ kẻ lộng quyền nhũng nhiễu nào, dù họ từng là tướng tâm phúc dưới trướng của mình. Sự công bằng, lòng nhân ái, vị tha, trí tuệ minh triết và tầm nhìn xa đáng kinh ngạc của Quang Trung đã khiến Ông trở thành một nhân cách lớn, một Con Người đúng nghĩa con người. Cả tình yêu lãng mạn và đầy chất thơ của Quang Trung với Ngọc Hân công chúa cũng hé mở phần cao đẹp của tâm hồn một nhà chính trị, một nhà quân sự và trên hết, của một nhà văn hóa.
Đúng, Nguyễn Huệ - Quang Trung là một nhà văn hóa từ bản chất và chính văn hóa đã nâng tầm cho những quyết sách chiến lược của vị Hoàng đế mà cuộc đời oanh liệt ngắn ngủi như một khối sao băng vụt sáng giữa trời đêm. Có thể nói, mỗi khi đất nước phải đương đầu với những thử thách nhằm bảo vệ nền văn hóa, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình, bảo vệ nhân cách Việt Nam của mình, thì những lúc ấy hình ảnh Nguyễn Huệ - Quang Trung lại chói sáng và sống động trước mắt chúng ta. Những tư tưởng vượt thời đại, những cảnh báo có tầm tiên tri của Ngài vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay.
Ngay một chuyện bây giờ trở thành giai thoại và hay được bàn cãi, là có phải Hoàng đế Quang Trung đã phái một “Quang Trung giả” sang kết ngoại giao với nhà Thanh hay không?Với sức mạnh và tầm văn hóa cao rộng của mình, thì việc Ngài đưa một “Quang Trung giả” sang kết ngoại giao với nhà Thanh sau chiến thắng vĩ đại quân xâm lược nhà Thanh là chuyện hoàn toàn có khả năng. Đó là ứng xử đầy tự hào dân tộc của một Hoàng đế nước Nam trước hoàng đế Trung Hoa. Chỉ một Hoàng đế Nam quốc trên cơ mới dám làm như vậy. Nhà Thanh dẫu biết thế vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt.
THANH THẢO