Nhựa sống mới tiếp nguồn hát bội
Đã qua rồi thời hoàng kim của sân khấu hát bội khi sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại dần lấn át nghệ thuật truyền thống. Việc tìm được những gương mặt nghệ nhân trẻ theo nghề, khẳng định tài năng và tình yêu với hát bội như dòng nhựa sống mới, tín hiệu đáng mừng, nhất là với các đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên.
1.Sinh ra trong gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật nhưng Võ Thị Phương (21 tuổi, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) lại bất ngờ bén duyên với sân khấu hát bội. Tháng 3.2023, cô gái trẻ tham gia văn nghệ hát ru, hát dân ca do huyện Phù Cát tổ chức và quen biết Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hoàng Kiều - Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây trong quá trình tập diễn. Phương dần yêu thích nghệ thuật hát bội khi nghe NNƯT Hoàng Kiều nói về những nét độc đáo của hát bội Bình Định. Sau đó, cô theo xem Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây lưu diễn, rồi được NNƯT Hoàng Kiều truyền dạy hát bội qua những vai quân lính, đào phụ. Hơn 1 năm học nghề theo kiểu “cầm tay, chỉ ngón”, vừa luyện tập, vừa thực hành trên sân khấu, Phương mau chóng nhập vai trong nhiều vở diễn, tự tin bước chân vào nghề.
Nghệ nhân Võ Thị Phương đóng vai Huê Thần Nữ trong trích đoạn Huê Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Tại Liên hoan sân khấu tuồng (hát bội) không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 vừa tổ chức đầu tháng 8, lần đầu tiên tôi được cô Hoàng Kiều dạy và giao đóng vai chính Huê Thần Nữ tham gia trình diễn dự thi trích đoạn Huê Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ (vở tuồng Đường Chinh Tây). Dù không đạt giải, nhưng tôi cũng rất vui vì có cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất trong “sân chơi” lớn của hát bội không chuyên”, Phương chia sẻ.
2.Nghệ nhân Nguyễn Thị Diễm Thi (24 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) là con của NNƯT Minh Lưỡng và NNƯT Lệ Hoa là “bầu” Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật hát bội, Diễm Thi tiếp xúc với hát bội từ thuở ấu thơ khi cha mẹ dẫn theo đoàn hát bội của gia đình lưu diễn khắp nơi.
Nhớ lại những kỷ niệm đến với nghệ thuật hát bội, Diễm Thi tâm sự: “Tiếp xúc với sân khấu hát bội từ rất sớm nhưng thật sự hồi nhỏ tôi không thích, cũng chưa nghĩ mình theo nghiệp của gia đình. Nhưng rồi, tôi dần làm quen với hát bội và bắt đầu theo nghề từ năm 17 tuổi. Mẹ dạy tôi diễn xuất bắt đầu từ những vai nhỏ, như quân sĩ, thường dân, rồi đào phụ, sau cho đóng đào chính trong các vở tuồng, giúp em từng bước thuần thục qua từng vai diễn”.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Diễm Thi (bìa phải) diễn vai Lan Anh trong trích đoạn Kỷ Lan Anh lạc đẻ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết với nghề, Diễm Thi đã khẳng định tài năng của mình và gặt hái thành tích cao qua các vai diễn: Tạ Phương Cơ trong trích đoạn Tế sống Tạ Ngọc Lân (vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn) đạt HCB tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018; Lan Anh trong trích đoạn Kỷ Lan Anh lạc đẻ (vở tuồng Hộ sanh đàn) đạt giải nhì tại Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024.
“Em sẽ cố gắng để theo đuổi nghề nghiệp, nối tiếp truyền thống của gia đình. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, các đoàn hát bội không chuyên hoạt động, hy vọng sẽ thu hút được nhiều người trẻ theo nghề để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương Bình Định”, Diễm Thi trải lòng.
3.Cũng là con nhà nòi hát bội, có cha mẹ là nghệ nhân Nguyễn Hoàng Minh và nghệ nhân Nguyễn Thị Hương là bầu Đoàn nghệ thuật hát bội Phước An, nghệ nhân Nguyễn Thị Quý Thương (27 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) được làm quen với sân khấu hát bội từ nhỏ. Năm 17 tuổi, Quý Thương thi đậu vào lớp trung cấp tuồng khóa VI, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Học xong Quý Thương về làm diễn viên hợp đồng của Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) được một năm, rồi trở về theo cha mẹ đi diễn với đoàn hát bội của gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Quý Thương (đứng giữa) với vai diễn Đào Tam Xuân trong trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024, Quý Thương đạt giải nhì với vai diễn Đào Tam Xuân trong trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ (vở tuồng Trảm Trịnh Ân). Quý Thương tâm tình: “Hát bội rất khó, giới trẻ ngày nay cũng ít quan tâm. Như tôi nhiều lúc gặp vai diễn khó, cũng chưa tự tin lên sân khấu diễn khi chưa nắm vững vai đó. Thậm chí tập mãi chưa diễn xuất được, cũng dễ chán nản, nhưng mình bỏ cuộc là không thể theo nghề, kế tục truyền thống của gia đình nên phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN