Xem - Nghe - Đọc
*Sao tháng Tám là một phim truyện Việt Nam do NSND Trần Đắc đạo diễn, phát hành năm 1976. Sao tháng Tám dắt người xem về với nước Việt Nam trong góc nhìn cận cảnh Hà Nội những ngày chuẩn bị nổ ra cuộc cách mạng chấn động địa cầu. Một số bạn thường cho rằng cứ gần đến dịp kỷ niệm Nhà nước lại cho chiếu Sao tháng Tám và cũng cho rằng như thế là nhàm. Nhưng theo thời gian càng xem sẽ lại hiểu càng tin rằng vì sao nhiều người thuộc lớp cha anh lại yêu mến Sao tháng Tám đến vậy. Ở đó ta thấy sự khốc liệt của những dòng thác tư tưởng đang cuộn tràn, dồn nén; những hy sinh to lớn của các vị tiền bối cách mạng và hiểu được vì sao thế hệ hôm nay phải dốc sức gìn giữ thành quả cách mạng. Năm 2016, theo thống kê của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau nhiều thập niên Sao tháng Tám vẫn là bộ phim truyện về đề tài cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 giữ kỷ lục là cuốn phim đáng xem nhất và khó thay thế.
* Điều còn mãi, chương trình hòa nhạc quốc gia do báo Vietnamnet tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, diễn ra ngày 2.9 tới tại Nhà hát lớn Hà Nội; chương trình cũng được truyền hình trực tiếp trên VTV. Nhạc trưởng Olivier Ochanine (ảnh) - đã sống và làm việc ở Việt Nam được 7 năm - chia sẻ, tôi là một công dân Pháp và Mỹ nhưng lại được mời chỉ huy một chương trình hòa nhạc quốc gia, trong một dịp rất đặc biệt với người Việt Nam là ngày Quốc khánh 2.9. Điều đó cho thấy người Việt thân thiện, có mong muốn bỏ lại quá khứ ở phía sau. Vì thế tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vinh dự. Tại Điều còn mãi, khán giả sẽ gặp lại các nhạc phẩm nổi tiếng như: Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên (Nguyễn Thành - Đỗ Nhuận), Tình ca Tây Bắc (nhạc: Bùi Đức Hạnh; thơ: Cầm Giang), The Ballad of Ho Chi Minh (sáng tác: Ewan MacColl, lời Việt: Phú Ân), Sẽ về thủ đô (Huy Du), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)...
* Mất kết nối (Khám phá các nguyên nhân thực của trầm cảm và các giải pháp bất ngờ). Tác giả: Johann Hari, dịch giả: Bùi Trần Ca Dao. Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm đang dần ngày càng trở nên quen thuộc hơn trong xã hội hiện đại, đặc biệt là khi internet và các mạng xã hội trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó có người nghĩ rằng, trầm cảm là một chứng bệnh của những tính cách yếu đuối, của những cơn buồn bã nhất thời… Thực tế hoàn toàn ngược lại. Trong cuốn sách tâm lý này, Hari nhận diện có 9 nguyên nhân của chứng trầm cảm và trong đó có 6 nguyên nhân đến từ việc mất mối kết nối… Bạn có muốn biết những nguyên nhân đó, những kết nối đó là gì không?
Đ.A