Thực hiện quy chế dân chủ ở Phù Cát
Trong những năm qua, thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, hầu hết các thôn, khu phố ở huyện Phù Cát đã được hướng dẫn xây dựng quy ước, hương ước; các xã, thị trấn đã thực hiện chế độ niêm yết công khai như công khai quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của địa phương; tình hình chi, trả các hạng mục công trình giải tỏa đền bù; các khoản phí, lệ phí; hộ tịch, hộ khẩu; công chứng được duy trì thường xuyên, nhiều thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, giảm phiền hà cho nhân dân.
Nhân dân xã Cát Trinh (Phù Cát) đang làm đường bê tông GTNT.
Đặc biệt, sau hơn 3 năm rưỡi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tiến bộ và khởi sắc, nhân dân đồng tình rất cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như ở các các xã: Cát Trinh, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Khánh, Cát Tân, Cát Hanh, Cát Nhơn. Đến nay, 16 xã trên địa bàn huyện đã đạt 188/304 tiêu chí NTM, tăng 35 tiêu chí so với đầu năm 2014. Trong đó, xã Cát Trinh đạt 16 tiêu chí, Cát Tài và Cát Hanh đạt 14 tiêu chí, xã Cát Hiệp đạt 13 tiêu chí.
Nhờ công tác tuyên truyền tốt cùng với ý thức trách nhiệm của người dân, nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường mà không đòi hỏi chế độ đền bù giải toả mặc dù gia đình còn gặp khó khăn; đến nay việc xây dựng đường bê tông liên thôn, liên xã với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhiều hộ đã đóng góp tiền, công sức cùng với chính quyền địa phương xây dựng hàng trăm cây số đường giao thông, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Nhiều thôn đã động viên bà con góp tiền, công sức để kéo điện thắp sáng đường liên thôn. Quá trình thực hiện QCDC cơ sở ở Phù Cát có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Trước hết, là thực hiện “việc của địa phuơng, người dân địa phương biết”. Ngoài các biện pháp như niêm yết công khai, thực hiện chế độ báo cáo, định kỳ cấp ủy và chính quyền địa phương còn thường xuyên sinh hoạt ở địa bàn dân cư để nắm bắt tâm tư, bàn bạc cụ thể để nhân dân địa phương biết công việc của địa phương kịp thời, đầy đủ, tránh được tình trạng “ trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Hai là “Việc của địa phương, người dân địa phương làm chủ”. Theo đó, tất cả công việc của địa phương liên quan đến đời sống của nhân dân đã được nhân dân địa phương thảo luận thông qua việc họp dân ở các thôn, khu phố theo phương châm “ ai cũng tham gia, người dân làm chủ”.
Ba là “Người dân địa phuơng, giám sát công việc của địa phương”. Đối với các công trình, công việc lớn quan trọng của địa phương, chính quyền thành lập tổ giám sát có đại diện nhân dân địa phương tham gia.
Thực tế đã khẳng định thực hành quy chế dân chủ là “chìa khoá” phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và chính quyền và tổ chức đời sống ngày càng tốt hơn ở huyện Phù Cát.
Bài, ảnh: THẾ HÀ