3 năm thực hiện Dự án đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã: Còn những rào cản
Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước của Chính phủ (gọi tắt là Dự án 600), tỉnh Bình Định đã tuyển chọn và đưa 20 đội viên dự án (ĐVDA) về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 3 huyện miền núi của tỉnh. Qua 3 năm thực hiện (2011-2014), Dự án đã phát huy hiệu quả, song vẫn còn đó những rào cản…
Trong số này, huyện An Lão được tăng cường 8 ĐVDA, huyện Vĩnh Thạnh có 7 ĐVDA và huyện Vân Canh có 5 ĐVDA. Sau gần 2 năm chính thức nhận nhiệm vụ trên cương vị Phó chủ tịch UBND xã, các ĐVDA được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã đánh giá là khiêm tốn, cầu thị và nhiệt tình trong công việc; nhã nhặn, hòa đồng trong giao tiếp, ứng xử, được người dân tin yêu, quý trọng. Theo kết quả phân loại, đánh giá cuối năm 2013, có 11/20 ĐVDA được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 9 ĐVDA hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, một số ĐVDA đã gặp phải những rào cản về khách quan lẫn chủ quan, làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc. Theo phản ánh chung, một số UBND xã, phân công ĐVDA phụ trách lĩnh vực chưa phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, dẫn đến việc họ không thể triển khai các Đề án phát triển KT-XH của các ĐVDA đã được Ban quản lý Dự án phê duyệt trước đó, làm ảnh hưởng đến việc phát huy hết khả năng, năng lực chuyên môn của ĐVDA. Một bộ phận cán bộ, công chức ở xã vẫn chưa quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Dự án nên chưa thật sự ủng hộ, tạo điều kiện cho ĐVDA trong công tác. Một số cán bộ không chuyên trách cấp xã còn thiếu nhiệt tình trong công tác, thậm chí đã tạo ra khó khăn cho ĐVDA.
Tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện dự án do UBND tỉnh vừa tổ chức mới đây, ĐVDA làm việc ở xã An Tân, huyện An Lão phản ánh: Một trong những khó khăn nhất của ĐVDA hiện nay là một số mô hình, chương trình, đề án do ĐVDA xây dựng, đề xuất dù được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, nhưng khi đưa vào thực tế thì bị tắc vì không có vốn thực hiện. Đội viên này dẫn chứng, Đề án nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay do anh đề xuất đã được chấp thuận, nhưng do kinh phí lớn (khoảng 1 tỉ đồng) nên đã không thực hiện được. Dự án sau đó là chuyển giao nuôi nai giống cũng gặp phải khó khăn tương tự. “Theo tôi cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, ngân sách tài trợ cho những Đề án của ĐVDA đã được cấp cơ sở phê duyệt … ”- đội viên này đề nghị.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa (Vân Canh), nêu lên một vướng mắc khác. Do ĐVDA tuổi đời còn trẻ, được bố trí vị trí công tác cao nên một số cán bộ tại địa phương chưa ủng hộ, xem nhẹ vai trò trách nhiệm của ĐVDA. Ngoài ra, vì ĐVDA chưa thông thạo tiếng địa phương (đồng bào dân tộc thiểu số) cũng như thông thạo địa hình nơi này nên cũng gặp khó khăn trong giao tiếp, đi xuống địa bàn nắm tình hình và trực tiếp điều hành công việc. Ông Việt đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ cần mở lớp bồi dưỡng thêm về tiếng địa phương, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời bố trí công tác cho ĐVDA sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải đã yêu cầu các địa phương có ĐVDA về làm việc cần nghiêm túc xem lại các phản ánh trên. Riêng phản ánh ĐVDA không được bố trí lĩnh vực phụ trách đúng với chuyên môn, ông đề nghị UBND huyện thường xuyên nắm bắt thông tin, đánh giá từng trường hợp cụ thể.
Riêng đối với các ĐVDA cần xem lại mình có gì và chưa có gì? Tuổi trẻ - Có, nhiệt huyết và trình độ - Có. Nhưng các bạn còn thiếu sự từng trải, am hiểu tình hình địa phương, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề - những cái này chỉ có thể được đúc kết bằng tham gia công việc thực tế. Muốn vậy, các bạn cần phải học hỏi, nắm bắt thông tin từ tình hình chung của cả nước đến cụ thể ở địa phương mình làm việc, để từ đó bàn bạc, tham gia cùng với cán bộ địa phương xem xét, tháo gỡ những khó khăn của địa phương. Những đóng góp dù nhỏ nhưng lại giúp ích cho địa phương giải quyết công việc hàng ngày thì cũng rất tốt.
Nếu có thành công, có đóng góp thì không ai từ chối các bạn cả. Sau này làm việc gì, ở đâu, trước hết phải do các bạn xác định. Địa phương có tiếp tục xem bạn là người của địa phương hay không, có muốn bạn đóng góp dài lâu cho địa phương nữa hay không và đề xuất tiếp nhận bạn, điều này do địa phương đó quyết định, tỉnh không làm thay được...
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải phát biểu với các ĐVDA tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 600)
Bài, ảnh: THU HÀ
Cuối cùng thì Dự án cũng chỉ dừng lại ở mức Dự án. Chưa thật sự là cuộc trải nghiệm lớn cho các đội viên.