Chăn nuôi theo liên kết chuỗi: Hướng phát triển bền vững cho người chăn nuôi
Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ nhờ việc áp dụng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Những mô hình này đang mở ra hướng phát triển bền vững cho người chăn nuôi, giúp họ ổn định thu nhập và tiếp cận được những cơ hội kinh tế mới.
Nhiều mô hình liên kết hiệu quả
Được thành lập năm 2020, HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh (TX An Nhơn) nhanh chóng trở thành một hình mẫu thành công trong việc áp dụng mô hình liên kết chuỗi trong chăn nuôi. Với quy mô lớn, HTX hiện có hơn 300 heo nái và sản xuất trên 4.300 heo thịt mỗi năm. Đặc biệt, HTX đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Becofood Đà Nẵng để sản xuất và tiêu thụ heo thảo mộc. Sự hợp tác này không chỉ giúp HTX đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu thịt heo thảo mộc uy tín tại thị trường Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Anh Kiều, Giám đốc HTX, cho biết, hiện tại, HTX có hơn 100 thành viên, đều là các hộ chuyên chăn nuôi heo. Tham gia vào HTX, các thành viên được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ Công ty Becofood Đà Nẵng trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn heo, tiêm vắc xin, cung cấp giống và thức ăn với giá ưu đãi. Đặc biệt, giá heo tại HTX luôn được Becofood thu mua cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và cam kết không bao giờ thu mua dưới mức 40.000 đồng/kg, ngay cả khi thị trường biến động mạnh. Nhờ sự hợp tác này, các hộ chăn nuôi trong HTX không chỉ có lợi nhuận ổn định mà còn yên tâm hơn về chất lượng đàn heo, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Một điển hình khác là bà Trần Thị Lệ, ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước). Bà Lệ là một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của huyện, mỗi năm xuất bán hơn 3.000 con heo thịt. Đặc biệt, bà đã thành công trong việc liên kết với hơn 30 hộ chăn nuôi khác trong xã, với quy mô trung bình mỗi lứa nuôi lên đến 600 con heo thịt. Các hộ tham gia liên kết này được bà Lệ trả công 300 nghìn đồng cho mỗi con heo nuôi, điều này không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ chăn nuôi.
Bà Lệ cho biết, toàn bộ heo thịt được bà xuất bán cho các thương lái tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. Các hộ tham gia liên kết với bà được hỗ trợ đầy đủ về quy trình chăm sóc, thức ăn, vắc xin… Nhờ sự liên kết chặt chẽ và giá heo duy trì ở mức cao, các hộ chăn nuôi trong chuỗi liên kết này đều có lãi. Bên cạnh cơ sở chăn nuôi tại thôn Lương Lộc, bà Lệ còn xây dựng một gia trại chăn nuôi heo hiện đại rộng 1.200 m² tại thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng), với mỗi lứa thả nuôi 500 con heo thịt, trung bình 3 - 4 tháng xuất chuồng.
HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh (TX An Nhơn) thực hiện phát triển chăn nuôi heo theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo theo chuỗi liên kết tại thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh. Ảnh: NGUYỄN ANH
Ổn định đầu ra và phát triển bền vững
Ngoài các mô hình HTX và hộ chăn nuôi liên kết, Bình Định còn thu hút sự tham gia của các DN lớn trong lĩnh vực chăn nuôi gia công. Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam mỗi năm thực hiện liên kết gia công quy mô lớn với 60.000 con heo thịt và 100 nghìn con gà thịt; Công ty TNHH CJ Vina Agri - chi nhánh Bình Định cũng thực hiện liên kết gia công 30.000 con heo thịt mỗi năm..., mang lại lợi ích kinh tế cho DN cùng người chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định cho thị trường.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành những chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi thông qua việc hỗ trợ các mô hình liên kết, thu hút sự quan tâm của nhiều DN. Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát) tham gia chính sách liên kết chăn nuôi bao tiêu sản phẩm gà thả đồi, cung cấp con giống và liên kết gia công với các hộ dân tại TX An Nhơn, huyện Phù Cát và Hoài Ân. Cách làm này giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo sự an tâm về đầu ra cho các hộ chăn nuôi.
Một trong những mô hình mới trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi là Dự án hỗ trợ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ bò thịt vỗ béo chất lượng cao, được phê duyệt theo Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 6.8.2024. Dự án do HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thực hiện, với sự tham gia của 80 hộ tại huyện Hoài Ân, gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Công ty TNHH sản xuất thương mại Thủy Thiên và hộ kinh doanh Trương Thị Niệm là các đầu mối tiêu thụ sản phẩm trong dự án này. Dự án được kỳ vọng giúp ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm bò thịt vỗ béo.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), chia sẻ: Những mô hình liên kết chăn nuôi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đầu ra và phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường. Thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, DN về lợi ích của liên kết chuỗi, mở rộng và triển khai các mô hình hiệu quả.
TRỌNG LỢI