Hướng đến nền hành chính phục vụ
2024 là năm tăng tốc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, hướng tới mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên” (Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025).
Lan tỏa nhiều mô hình
Thời gian qua, các mô hình cải cách hành chính (CCHC) do tỉnh và các địa phương xây dựng, nhân rộng đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân, DN, nâng cao chất lượng nền hành chính phục vụ.
Mô hình “Hành chính phục vụ người dân” đã được nhân rộng, lan tỏa với tốc độ khá nhanh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ đầu tháng 3.2024, mô hình được triển khai thí điểm tại 12 xã, phường thuộc TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Tây Sơn, huyện An Lão; từ ngày 1.10.2024, sẽ triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, UBND TP Quy Nhơn đã triển khai mô hình rộng khắp tại 21/21 xã, phường từ rất sớm.
Vừa qua, UBND TX Hoài Nhơn đã triển khai mô hình tại 17/17 xã, phường. UBND huyện Tuy Phước nhân rộng mô hình tại 8/13 đơn vị cấp xã và phấn đấu đến tháng 9.2024 đảm bảo bao phủ 100%. Địa phương không thuộc nhóm thí điểm mô hình theo kế hoạch của UBND tỉnh như huyện Phù Cát cũng đã triển khai thí điểm tại xã Cát Minh, Cát Trinh từ tháng 4.2024.
Sự lan tỏa ấy đã khẳng định ý nghĩa thiết thực và tác động tích cực của mô hình. Hơn hết là sự đánh giá, ghi nhận của người dân về tinh thần phục vụ, chính quyền thân thiện, văn minh. Bà Phạm Thị Nhung (45 tuổi, ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) là công dân được công chức UBND xã, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại nhà sau khi chồng mất vì bệnh ung thư. Theo bà Nhung, việc công chức UBND xã và đoàn thể đến nhà chia sẻ, hỗ trợ đăng ký thủ tục khai tử, trao thư chia buồn là điều rất đáng quý, làm gia đình rất xúc động. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm, gần gũi của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, các mô hình CCHC do UBND cấp xã xây dựng đã tạo được dấu ấn trong lòng người dân. Điển hình như mô hình “Thứ Ba - ngày không viết” nhằm hỗ trợ công dân điền các thông tin vào hồ sơ khi thực hiện TTHC một cách nhanh gọn, thuận lợi; “Thứ Năm - ngày không hẹn” giải quyết và trả kết quả ngay cho tổ chức, công dân của UBND phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn); “Ngày thứ Sáu không hẹn” của UBND phường Bình Định (TX An Nhơn) sau một thời gian triển khai đã thúc đẩy CCHC thực chất, hiệu quả.
UBND phường Bình Định (TX An Nhơn) triển khai mô hình “Ngày thứ Sáu không hẹn”. Ảnh: N.M
Tại huyện Tây Sơn, năm 2024, UBND các xã đã mạnh dạn xây dựng và triển khai thực hiện một số mô hình mới trong công tác CCHC, như: “Công dân không viết gắn với dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC” (xã Tây An), “Ngày thứ Sáu phục vụ nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC tại nhà đối với đối tượng yếu thế trên địa bàn xã” (xã Tây Vinh), “Chính quyền thân thiện, ngày không chờ gắn với dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC phục vụ người dân” (xã Tây Giang)…
Phát huy tinh thần cải cách
Tinh thần “cải cách” trong hành chính công vụ được các ngành, địa phương phát huy, nỗ lực thực hiện. Thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá 29 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 15 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, đến nay Chủ tịch UBND tỉnh đã thông qua phương án đơn giản hóa 14 TTHC. Với việc cắt giảm thời gian giải quyết đối với 12 TTHC và cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 2 TTHC, ước tính số tiền tiết kiệm được là hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu tham mưu đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Là địa phương 3 năm liên tục (2021 - 2023) dẫn đầu Chỉ số CCHC, xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, UBND TX Hoài Nhơn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và phát huy thành quả. Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn nhấn mạnh để CCHC thực sự mang lại hiệu quả thì phải nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại giữa chính quyền với người dân, DN; đồng hành, lắng nghe, kịp thời xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ; giải trình, giải thích và thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức nếu hồ sơ trễ hẹn...
Chuyên viên tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Tuy Phước hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: N.M
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác CCHC vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đặt câu hỏi cho các ngành, địa phương: Tại sao chúng ta thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ nhưng người dân, DN vẫn chưa hài lòng, đánh giá cao? Cần phải hiểu rõ hơn sự kỳ vọng của người dân đối với công tác CCHC là nằm ở chất lượng dịch vụ, thái độ của công chức, viên chức, người tiếp nhận, xử lý hồ sơ, sự công khai minh bạch chứ không chỉ ở thời gian thực hiện. Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự nhìn nhận, đánh giá thực chất hơn nữa công tác CCHC để có những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.
“Tôi khuyến khích mỗi địa phương, cơ quan mạnh dạn đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu tại kế hoạch UBND tỉnh ban hành. Dựa vào tình hình, đặc thù của cơ quan, địa phương mà triển khai thực hiện theo hướng phân công rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ người, rõ thời gian và có sản phẩm công việc cụ thể đối với các nhiệm vụ, nội dung có thể lượng hóa được để tổ chức thực hiện hiệu quả. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp và trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC, cũng là nâng cao chất lượng CCHC”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
NGUYỄN MUỘI