KỶ NIỆM 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969 - 2024)
Giữ gìn đoàn kết như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”
Xây dựng, củng cố và phát huy đoàn kết là nội dung lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh xuyên suốt trong bản Di chúc. Đây là vấn đề luôn mang tính thời sự, là bài học đắt giá trên mỗi chặng đường cách mạng.
Đoàn kết vì Đảng, vì dân
Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết, thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.
Trong bản Di chúc, Người viết: “Trước hết nói về Đảng - nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
“Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” tại chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tổ chức tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội, tối 3.9.1960. Ảnh tư liệu
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình. Đây chính là một hình thức rèn luyện đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tự phê bình và phê bình là giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Để có sự đoàn kết, thống nhất thực sự, bên cạnh tinh thần, lý trí, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu. Trong thực hành công việc, không chỉ đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Do đó, để duy trì và bồi đắp tinh thần đoàn kết, thống nhất, từng tổ chức đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu, cảm thông chia sẻ lẫn nhau.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng phải được xây dựng trên cơ sở một mục tiêu, một lý tưởng thống nhất. Người căn dặn các đảng viên: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”; “Đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang là: Suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân”.
Và như vậy, quan điểm xuyên suốt của Người là sự đoàn kết, thống nhất giữa các đảng viên cộng sản dựa vào mục tiêu chung: Vì Đảng, vì dân.
Trang đầu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
“Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”
Thấm nhuần tư tưởng của Bác và thực hiện Di chúc, Đảng ta luôn coi trọng, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ và phát huy được sức mạnh toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước mà nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Đoàn kết, thống nhất là một trong những bài học mang giá trị lịch sử, xuyên suốt quá trình dựng nước, giữ nước, đấu tranh cách mạng và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các sự kiện chính trị quan trọng.
Đầu năm 2023, tại hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cố Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Đoàn kết, thống nhất phải thể hiện qua ý chí lẫn hành động của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc - “triệu người như một” trong tổ chức thực hiện các quyết sách của Đảng.
Trước đó, tại hội nghị Đảng đoàn MTTQ Việt Nam quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 16.8.2021), cố Tổng Bí thư dành nhiều thời gian phân tích rất sâu sắc bài học đoàn kết và khẳng định đoàn kết là giá trị cốt lõi; đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là động lực to lớn làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.
Với bối cảnh, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến khó lường, khó dự báo như hiện nay, càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, hội tụ trí tuệ tập thể, phân tích, nhận định tình hình sát thực tế để có giải pháp thích ứng hiệu quả. Mỗi khi gặp khó khăn càng phải đoàn kết, thống nhất, mỗi người mới vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường Đảng đã chọn cho dân tộc.
Cố Tổng Bí thư cũng cho rằng, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải đoàn kết trong Đảng. Đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là tiền đề nâng cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Và, để đảm bảo đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cần chăm lo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Những biểu hiện đó nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm nảy sinh tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, chạy chức, chạy quyền, thân hữu, dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết.
Với tinh thần “không có vùng cấm, không ngoại lệ”, tính từ đầu nhiệm kỳ XIII, đã có 32 cán bộ diện Trung ương quản lý bị cho thôi chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, liên quan về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó, có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trò chuyện thân mật với người dân làng M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Lấy niềm an vui của nhân dân làm động lực làm việc
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, sự đoàn kết, thống nhất giữa các đảng viên có được nhờ dựa vào mục tiêu chung: Vì Đảng, vì dân. Phát huy tinh thần đại đoàn kết cũng đồng thời từng cán bộ, đảng viên phải cố gắng, nỗ lực hết mình để nhân dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
Với Đảng bộ tỉnh, bên cạnh xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, thời gian qua, nhiệm vụ rất quan trọng được quan tâm thường xuyên là đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, hiệu quả từ công tác tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân để chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội thể hiện rõ qua phong trào “Tỉnh Bình Định chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quỹ “Vì người nghèo” vận động hơn 87 tỷ đồng, Quỹ “Cứu trợ” hơn 90 tỷ đồng; ngoài ra còn vận động hơn 700 tỷ đồng cho thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Đó là nguồn lực quan trọng để toàn tỉnh tổ chức hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 2.557 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với trị giá trên 105 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế cho 5.695 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổ chức cứu trợ kịp thời cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đối tượng yếu thế với số tiền 89,8 tỷ đồng; tổ chức Chương trình “Tết nghĩa tình” trao hơn 772 nghìn suất quà với số tiền trên 312 tỷ đồng...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, đằng sau những con số khô khan ấy là tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào được phát huy cao độ. Từng hộ nghèo, từng người ốm đau, gặp nạn trong bão lũ… đã được trợ lực, động viên để vượt qua khó khổ, cuộc sống ngày càng tươi sáng hơn. Và, để huy động được sức dân, từng cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm việc ở cơ sở luôn nỗ lực hết mình để phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, là trung tâm tập hợp, đoàn kết.
Và, hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thật sự đau đáu, trăn trở trước những khó khăn, vất vả của người dân. Từ đó, có tư duy đổi mới, đột phá, đề ra những cách làm sáng tạo, quyết liệt để mang lại lợi ích thiết thực nhất cho bà con quê mình.
Một trong những ví dụ điển hình là ngày 7.8, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn tổ chức Lễ phát động Đợt thi đua cao điểm 200 ngày toàn dân chung tay xây dựng TX Hoài Nhơn không còn hộ nghèo; hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn nhà tạm, nhà dột nát (7.8.2024 - 28.3.2025).
Với quyết tâm chính trị cao nhất, TX Hoài Nhơn tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong xóa nghèo, xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Theo Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương, các giải pháp đều mang tính khả thi cao nhất, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng trường hợp cụ thể. Thị xã tập trung hỗ trợ sinh kế phù hợp cho 619 hộ nghèo, 1.891 cận nghèo; hỗ trợ và nhận đỡ đầu đến cuối đời đối với 83 người cao tuổi nghèo, đơn thân. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ cho 148 trường hợp gặp khó khăn về đất ở; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 204 nhà ở hư hỏng, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó là nhiều giải pháp mang tính bền vững như giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo…
Với những trường hợp già yếu, ốm đau ngặt nghèo, không thể tự lao động kiếm sống, nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng suốt đời là cách làm phù hợp duy nhất. Đi đầu làm gương, Thị ủy Hoài Nhơn nhận nuôi dưỡng suốt đời đối với cụ bà Lê Thị Nhơn (90 tuổi, ở khu phố Lại Khánh, phường Hoài Đức) với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 8.2024. Cụ Lê Thị Nhơn hiện không có nhà ở, người con duy nhất đang ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Cụ Nhơn được bà Lê Thị Nho, một người hàng xóm tốt bụng nhận chăm sóc.
Ngày 15.8, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị gặp mặt các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam để thông tin về tình hình của Đảng và đất nước trong những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết để đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị chu đáo cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; đòi hỏi hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, trước hết là nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người.
HOÀI NHÂN