Chuyện kể từ Olympic Paris 2024…
Thế vận hội mùa hè 2024 (Olympic Paris 2024, diễn ra từ ngày 26.7 đến 11.8) không chỉ là những trận thi đấu thể thao để giành huy chương, mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện mang đầy năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Từ các VĐV kỳ cựu tranh tài ở cấp độ đỉnh cao cho đến những tài năng trẻ tuổi lần đầu tham dự sự kiện thể thao tầm thế giới, Olympic Paris 2024 cho thấy một tinh thần Olympic không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội.
Olympic Paris 2024. Ảnh: AP
Tuổi tác, thời gian chỉ là con số
Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất tại Olympic Paris 2024 là VĐV Ni Xia Lian (61 tuổi), đại diện của Luxembourg ở bộ môn bóng bàn. Đây là kỳ Olympic thứ 6 của bà và Ni Xia Lian cũng là VĐV lớn tuổi nhất trong lịch sử bộ môn bóng bàn ở Olympic. Bà chuyển đến sinh sống tại Luxembourg từ cuối những năm 1980, sau khi đem về 2 HCV cho Trung Quốc tại các giải vô địch thế giới.
Trong trận đấu đầu tiên tại Olympic Paris 2024, bà đã giành chiến thắng trước VĐV trẻ tuổi Sibel Altinkaya của Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và mong chờ đối đầu với Sun Yingsha để học hỏi từ cô ấy”, Ni Xia Lian chia sẻ sau trận đấu. Mặc dù thất bại trước tay vợt số 1 thế giới Sun Yingsha, nhưng tinh thần thể thao của Ni Xia Lian luôn được các VĐV khác ngưỡng mộ.
VĐV Ni Xia Lian tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Xinhua/Wang Dongzhen
VĐV bóng bàn khác, Zhiying Zeng, cũng là một minh chứng cho việc luôn theo đuổi giấc mơ dù bạn bao nhiêu tuổi. Lần đầu tiên thi đấu tại Olympic ở độ tuổi 58, người mẹ của 2 con đã trưởng thành này cảm thấy tự hào về thành tích này. “Đó là giấc mơ lớn nhất của cuộc đời tôi”, Zhiying Zeng nói khi trả lời phỏng vấn kênh thể thao của CNN. “Cha của tôi (92 tuổi) giờ đã có thể chứng kiến con gái thi đấu tại Olympic”. Zhiying Zeng được chọn vào đội tuyển bóng bàn Trung Quốc năm 16 tuổi, nhưng sự nghiệp của cô đi xuống và cô rời bỏ bộ môn này vào năm 20 tuổi. Sau khi chuyển đến Chile và sống tại đây hơn 30 năm, Zhiying Zeng cầm vợt trở lại và thi đấu cho đội tuyển nước này.
Ở chiều ngược lại, Olympic Paris 2024 cũng được xem là bệ phóng cho những tài năng thể thao trẻ tuổi để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao. VĐV trượt ván Zheng Haohao (11 tuổi) là thành viên trẻ nhất trong đội tuyển Trung Quốc. Mặc dù tuổi còn rất nhỏ, nhưng sự trưởng thành, nghiêm túc và cả những lần chấp nhận té ngã, chảy máu trong tập luyện bộ môn này đã giúp Zheng Haohao đoạt được tấm vé tham dự Olympic Paris 2024. “Khi trở lại trường, nếu bạn bè hỏi về kỳ nghỉ hè, con có thể khoe đã dành thời gian để ghé qua và tham gia Olympic”, Zheng Haohao nói một cách tự hào khi được hỏi về trải nghiệm tại đây.
VĐV nhỏ tuổi nhất của đội tuyển Olympic Trung Quốc Zheng Haohao (11 tuổi) đang theo đuổi giấc mơ chinh phục đỉnh cao. Ảnh: SCMP/The Paper/Weibo
Với VĐV đua xe đạp Kristen Faulkner (Mỹ), việc cô giành HCV ở nội dung đua xe đạp đường trường khiến nhiều người bất ngờ, vì cô chỉ thực sự bắt đầu tập luyện cách đây 7 năm và thậm chí cô là người thay thế một thành viên khác của đội tuyển Mỹ vào phút cuối. Tấm HCV lịch sử của Kristen Faulkner đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Mỹ trong bộ môn này sau 40 năm. Trước đó, VĐV Connie Carpenter-Phinney đoạt HCV ở nội dung này vào năm 1984.
Là VĐV thay thế ở phút chót, nhưng Kristen Faulkner đoạt HCV. Ảnh: Tim de Waele / Getty Images
Tinh thần thể thao vượt mọi rào cản, định kiến
Với một kỳ Olympic có nhiều vấn đề đáng chú ý, tranh cãi liên quan đến giới tính của võ sĩ quyền Anh Imane Khelif cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bất chấp những ồn ào và chỉ trích ác ý nhằm vào mình, nữ võ sĩ Algeria vẫn không bị phân tâm và giành HCV, sau khi đánh bại đối thủ Yang Liu (Trung Quốc) trong trận chung kết vào ngày 9.8.
Trước đó, không bị nao núng bởi những nghi ngờ cũng như “cơn bão” chỉ trích về giới tính của mình trên mạng xã hội, Imane Khelif đã tự lên tiếng bảo vệ danh dự và giữ vững quyết tâm để tiến đến trận đấu cuối cùng, hoàn thành giấc mơ “vàng” mà cô đã ấp ủ suốt 8 năm miệt mài luyện tập.
Khelif giành chiến thắng trước Yang Liu trong trận chung kết hạng cân 66 kg nữ. Ảnh: MOHD RASFAN/AFP
Trong khi đó, nữ VĐV điền kinh Sifan Hassan (Hà Lan, gốc Ethiopia) hoàn thành một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi, khi giành huy chương ở cả 3 nội dung chạy 5.000 m, 10.000 m và marathon với thời gian cho 2 nội dung cuối chỉ cách nhau 2 ngày. Trước đó, chỉ có VĐV Emil Zatopek (CH Czech) đạt được kỷ lục này tại kỳ Olympic diễn ra ở Helsinki (Phần Lan) vào năm 1952. Câu chuyện của cô là minh chứng cho thách thức vượt qua các rào cản, vì để đạt được thành tích như ngày hôm nay, với một người đến Hà Lan để tị nạn như Sifan Hassan phải nỗ lực gấp nhiều lần so với nhiều VĐV khác trong hành trình tìm kiếm cơ hội, tập luyện và khẳng định mình.
VĐV Sifan Hassan đã chạy tổng cộng 62,195 km tại Olympic Paris 2024. Ảnh: World Athletics
Một điều bất ngờ khác tại Olympic Paris 2024 là 2 trường hợp nữ VĐV đang mang thai nhưng vẫn tham gia thi đấu. Sau khi kết thúc trận thi đấu ở nội dung đấu kiếm, VĐV Nada Hafez (Ai Cập) đã chia sẻ trên trang Instagram là cô đang mang thai 7 tháng. Sau đó 1 ngày, tay cung người Azerbaijan Yaylagul Ramazanova cũng tiết lộ đang có thai hơn 6 tháng. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng điều này thách thức định kiến về những gì phụ nữ có thể làm trong thời gian thai kỳ, đồng thời cũng trở thành một trong những dấu ấn tại kỳ Olympic để tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người phụ nữ.
Với Manizha Talash, VĐV nữ đầu tiên của Afghanistan, đây lại là cơ hội để cho cô chia sẻ thông điệp “Giải phóng cho phụ nữ Afghanistan” khi thi đấu ở nội dung break dance (nhảy đường phố), bất chấp việc Ban Tổ chức cấm truyền tải thông điệp chính trị tại sự kiện này. Mặc dù sinh ra ở Kabul, nhưng hiện Manizha Talash sống ở Tây Ban Nha và tham gia Olympic Paris 2024 với tư cách là thành viên của đội tuyển Olympic người tị nạn.
Cũng tại Olympic Paris 2024, nhiều câu chuyện bên lề cũng mang những ý nghĩa nhất định, phản ánh phần nào tinh thần Olympic. Tấm ảnh selfie của các VĐV Hàn Quốc và Triều Tiên sau trận đấu lan truyền rất nhanh trên mạng, được Ban Tổ chức ca ngợi như là hình ảnh “selfie chiến thắng”, tượng trưng cho hòa hợp xuyên biên giới, nhất là trong tình hình căng thẳng liên Triều gia tăng trong thời gian qua.
VĐV Lim Jonghoon (Hàn Quốc, bìa trái) chụp selfie cùng các VĐV Triều Tiên. Ảnh: Jung Yeon-je/AFP
Đối với Rifda Irfanaluthfi (24 tuổi), cô làm nên lịch sử khi trở thành VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên của Indonesia giành vé tham dự 1 kỳ Olympics. Tuy nhiên, con đường đến Paris của Rifda Irfanaluthfi không hề dễ dàng vì ngay khi nhận tin vui, thì cô chuẩn bị phải phẫu thuật do rách sụn chêm đầu gối. Để không bỏ lỡ cơ hội, Rifda Irfanaluthfi quyết định chưa phẫu thuật ngay. Trong đợt tập luyện thứ hai ở Paris, Rifda Irfanaluthfi lại chịu thêm chấn thương nữa, khiến cô không thể hoàn thành các bài thi. “Hiện tôi bình tâm hơn, tôi đã chứng minh được rằng tôi có thể thi đấu ở Olympics và hạnh phúc vì đã chịu được cơn đau cho đến khi kết thúc cuộc thi”, Rifda Irfanaluthfi nói.
Tham gia Olympic Paris 2024 với tư cách là chủ nhà, VĐV bơi lội Florent Manaudou không chỉ truyền cảm hứng qua lời nói mà còn bằng hành động. VĐV 33 tuổi này từng nói rằng sự tiến bộ của một VĐV không phải là để trở thành người giỏi nhất, mà là trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm trước. Trên tinh thần đó, Florent Manaudou đã đoạt HCV tại Olympic London 2012 và sau đó giánh thêm 3 HCB nữa, để chứng tỏ rằng khi cố gắng đạt mục tiêu, điều quan trọng là bản thân tiến bộ như thế nào trong suốt 1 quá trình. Với anh, không quan trọng là thi đấu với bao nhiêu đối thủ, mà đối thủ chính là bản thân. Tại Olympic Paris 2024, tấm HCĐ ở môn bơi tự do 50 m của anh được xem là minh chứng cho những nỗ lực của nhiều năm khổ luyện và thăng trầm của một VĐV từng được gọi là “VĐV bơi lội nhưng lại không thích bơi”. Trước đó, anh từng từ bỏ môn bơi lội để tập luyện môn bóng ném vào năm 2016.
Florent Manaudou trong trận bán kết nội dung bơi tự do 50 m nam tại Olympic Paris 2024. Ảnh: AFP
Cũng với tinh thần đó, VĐV điền kinh Sha’Carri Richardson, người đã giúp Mỹ giành lại quyền thống trị tuyệt đối ở cự ly 100 m nữ Giải điền kinh Vô địch thế giới năm 2023, tham gia kỳ Olympic lần này để cho thế giới thấy rằng cô là phiên bản tốt hơn của chính mình. Trước đó, Sha’Carri Richardson từng bị cấm tham dự Olympic Tokyo 2020 sau khi bị phát hiện sử dụng chất cấm, mà cô thừa nhận và giải thích là để vượt qua nỗi đau buồn sau khi mẹ ruột qua đời cách đó không lâu. Với kỳ Olympic đầu tiên, cô tỏ ra rất hưng phấn. “Tôi đã trở lại và lợi hại hơn xưa”, cô nói. “Bây giờ, tôi sẵn sàng cả về tinh thần, thể chất và cảm xúc”. Đối với nhiều người hâm mộ, câu chuyện về VĐV này là câu chuyện “có hậu” nhờ nỗ lực vươn lên của 1 cá nhân.
Đối lập với bối cảnh quốc tế đang chìm trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, Olympic Paris 2024 được xem là điểm sáng hiếm hoi về những điều tích cực trong cuộc sống. Sự kiện thể thao mang tầm thế giới này không chỉ định nghĩa lại giới hạn của con người, mà còn có tác dụng đặc biệt trong việc vực dậy tinh thần của chúng ta.
LÊ HỒNG QUẢNG (Theo Al Jazeea, Olympics.com)