Gia tộc Đặng Hiếu & những đóng góp cho boxing Bình Định
Hơn 40 năm qua, gia tộc Đặng Hiếu (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đã có nhiều đóng góp cho boxing Bình Định ở nhiều vai trò khác nhau, trong đó có những dấu ấn khó quên, ghi vào lịch sử thể thao đất Võ…
Những dấu ấn đặc biệt ở đấu trường lớn
Ngay từ khi còn nhỏ, cả 4 anh em trong gia đình Đặng Hiếu gồm: Đặng Hiếu Hiền, Đặng Hiếu Hân, Đặng Hiếu Hoan, Đặng Hiếu Huy được cha gửi đến tập tại võ đường Hồng Khanh ở địa phương. Ít nhiều kế thừa “gen võ thuật” từ cha, cả 4 anh em nhà Đặng Hiếu đều thể hiện niềm đam mê và gắn bó với môn thể thao này theo nhiều cách khác nhau.
HLV Đặng Hiếu Hân và HLV Đặng Hiếu Hiền (thứ 4 và thứ 5 từ trái sang) cùng các học trò tại Giải vô địch boxing các đội mạnh toàn quốc năm 2024. Ảnh: NVCC
Thời điểm những năm 1980, Đặng Hiếu Hiền cùng với Tạ Quang là 2 võ sĩ nổi danh nhất của đất Nghĩa Bình (cũ). Trong đó, dù nhỏ con, nhưng bù lại bằng sự nhanh nhẹn, thể lực sung mãn và có những cú ra đòn nặng ký bằng cả 2 tay, Đặng Hiếu Hiền gần như không có đối thủ ở hạng cân 48 kg. Ông đã vô địch quốc gia trong 3 năm liên tục (1985, 1986, 1987), được bầu chọn là 1 trong 10 VĐV tiêu biểu của Việt Nam năm 1987. Rất nhiều trận ông hạ knock-out đối phương chỉ sau 1 - 2 hiệp đấu. Ông cũng là võ sĩ quyền Anh đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương trên võ đài quốc tế với tấm HCĐ Giải quyền Anh quốc tế - MOA tổ chức tại Cu Ba (năm 1988) và HCĐ SEA Games 15 (năm 1989)… Đặc biệt, Đặng Hiếu Hiền là 1 trong 2 võ sĩ của Việt Nam từng vinh dự được tham dự Olympic Seoul 1988, tổ chức tại Hàn Quốc, nơi ông hạ knock-out võ sĩ người Tây Ban Nha - chiến tích đến nay chưa có võ sĩ Việt Nam nào lặp lại được.
Đồng hành cùng người anh trai trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu, Đặng Hiếu Hân cũng có những đóng góp đáng kể cho thể thao Bình Định, trong đó dấu ấn lớn nhất là giành HCV đầu tiên ở một kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, với chức vô địch năm 1990.
Ông kể: “Những năm đó, chúng ta chưa có đội tuyển tỉnh tập luyện thường xuyên như bây giờ. Mỗi khi gần đến giải, những VĐV có thành tích ở các giải tỉnh được tập trung về Quy Nhơn tập huấn rồi đưa đi thi đấu. Tôi còn nhớ có giai đoạn chiều chiều lại cùng anh Đặng Hiếu Hiền chạy bộ từ Diêu Trì xuống Quy Nhơn để luyện thể lực, rồi tập cùng thầy Kim Dũng, sau đó 2 anh em bắt xe lam về nhà”.
Tuy không theo đuổi con đường boxing chuyên nghiệp, nhưng cả hai người em là Đặng Hiếu Hoan và Đặng Hiếu Huy cũng để lại dấu ấn tại các giải boxing cấp tỉnh những năm 1990. Hiện nay, dù đang là giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây, sau giờ lên lớp, anh Đặng Hiếu Hoan lại duy trì niềm đam mê bằng việc đào tạo các võ sinh trẻ. Năm 2020, anh còn tham gia hỗ trợ người anh trai trong công tác huấn luyện (khi đó HLV Đặng Hiếu Hiền đang nằm viện điều trị). Bằng kinh nghiệm tích lũy được, Đặng Hiếu Hoan cùng các học trò giành được 5 HCV, 1 HCB, 7 HCĐ ở Giải vô địch boxing các đội mạnh toàn quốc năm 2020, như sự khẳng định cho “thương hiệu” gia tộc boxing Đặng Hiếu…
HLV Đặng Hiếu Hân (bên phải) cùng Trưởng bộ môn boxing Việt Nam Vũ Đức Thịnh tại SEA Games 32 tổ chức ở Campuchia. Ảnh: NVCC
Nhiều đóng góp cho phong trào
Luôn được đánh giá cao ở hạng cân 57 kg, khi luôn là ứng cử viên vô địch ở các giải vô địch quốc gia, nhưng Đặng Hiếu Hân có một “điểm yếu” cố hữu, khiến ông bỏ lỡ nhiều cơ hội làm dày thêm bảng thành tích của mình. Năm 1986, ông bị đối thủ va đầu vào mũi, làm lệch vách ngăn. Từ đó, mỗi khi thi đấu, chỉ cần bị chạm nhẹ vào đó cũng khiến máu mũi tuôn ra. Nhờ nền tảng thể lực tốt, có những trận đấu ông nhét bông bịt kín cả 2 mũi, chỉ thở bằng miệng nhưng vẫn chơi tốt trong suốt 3 hiệp. Dẫu vậy, cũng không ít lần ông bị trọng tài y tế xử thua một cách oan uổng khi nghĩ rằng ông dính chấn thương nghiêm trọng. Với chức vô địch quốc gia năm 1990, ông giành suất tham dự ASIAD tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhưng việc từ chối phẫu thuật để điều trị chứng lệch vách ngăn mũi khiến ông bỏ lỡ cơ hội góp mặt ở sự kiện thể thao quan trọng nhất châu Á.
Boxing như đã ngấm vào máu của Đặng Hiếu Hân, nên khi ra học ở Trường CĐ TDTT Đà Nẵng, hằng ngày ông vẫn tự tập luyện, đến khi có giải lại quay về Bình Định tham gia thi đấu. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Trường THCS Phước Quang (Tuy Phước) 5 năm, sau đó chuyển sang Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước. Dẫu phong trào boxing trong cả nước có phần lắng xuống trong giai đoạn từ năm 1994 - 2002 (sau lệnh cấm tổ chức giải vô địch quốc gia từ sự cố ở giải đấu tổ chức tại Hải Phòng), Đặng Hiếu Hân vẫn gắn bó với boxing bằng việc mở các lớp phong trào, đào tạo nên nhiều võ sĩ chất lượng. Ông còn tham gia công tác trọng tài, điều hành các giải quốc gia, quốc tế các môn wushu, boxing và kickboxing.
Năm 2005, khi đang là cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, Đặng Hiếu Hân được triệu tập tham gia công tác huấn luyện ở đội tuyển boxing Việt Nam. Trong 2 năm gắn bó với cương vị mới (năm 2005 - 2006), ông cùng đội tham gia một số giải đấu quốc tế ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam…
Nhận thấy những kinh nghiệm của ông có thể giúp ích rất nhiều cho công tác đào tạo, từ tháng 5.2023, HLV Đặng Hiếu Hân được Sở VH&TT đưa về đội tuyển boxing Bình Định, sát cánh cùng người anh trai Đặng Hiếu Hiều phụ trách công tác huấn luyện VĐV. Với kinh nghiệm cùng tâm huyết của mình, ông đang thổi luồng gió mới vào những tài năng tương lai của boxing đất Võ. Công việc duy trì lớp boxing phong trào tại thị trấn Diêu Trì được HLV Đặng Hiếu Hân trao cho con trai mình là Đặng Hiếu Nhân đảm nhiệm, thu hút hàng chục võ sinh tham gia tập luyện.
ĐỨC MẠNH