Giải pháp mới, quyết tâm cao trong giảm nghèo bền vững
Quyết tâm đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước và giúp các hộ nghèo, cận nghèo có đời sống tốt hơn, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn, hướng đến hiệu quả thiết thực.
Hướng đến thực chất, bền vững
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 do UBND tỉnh tổ chức chiều 2.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả. Hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương phải được hướng dẫn, hỗ trợ cách lao động sản xuất, kinh doanh, sống được với nghề, cải thiện thu nhập; đó mới là giải pháp thoát nghèo bền vững.
Lãnh đạo các địa phương ký cam kết thi đua thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại Lễ phát động. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, theo từng nguyên nhân nghèo, Kế hoạch 117/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2025 đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể như cấp đất sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề; giải quyết việc làm; hỗ trợ xuất khẩu lao động; hỗ trợ dự án phát triển sản xuất cộng đồng/liên kết chuỗi; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi...
Đáng chú ý, thời gian qua, hoạt động hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi được các địa phương thực hiện vượt chỉ tiêu đã đề ra. “Theo kế hoạch, trong năm 2024, toàn tỉnh sẽ cho 2.687 hộ nghèo, cận nghèo vay với gần 43 tỷ đồng, nhưng trong 6 tháng đầu năm đã có 2.737 hộ vay với hơn 173 tỷ đồng”, bà Hạnh thông tin.
Là một trong rất nhiều hộ thoát nghèo nhờ sự trợ lực của vốn vay tín dụng chính sách, gia đình bà Đinh Thị Ngọc Thu (50 tuổi, ở xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) nay đã có đời sống đủ đầy với nghề trồng dâu nuôi tằm. Trước đây, gia đình bà Thu từng trồng lúa, mì, nuôi bò nhưng đều không đạt hiệu quả. Sau đó, được giới thiệu vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, bà mạnh dạn vay vốn và trở lại với nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của gia đình, đồng thời con trai bà cũng được hỗ trợ xuất khẩu lao động nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.
“Không chỉ thoát nghèo, ổn định với nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình tôi còn góp phần giải quyết việc làm cho 4 lao động khác tại địa phương”, bà Thu vui vẻ nói.
Bà Đinh Thị Ngọc Thu (phải, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) cho tằm ăn trong căn nhà được xây dựng khang trang. Ảnh: T.K
Quyết tâm đạt chỉ tiêu đề ra
Dự kiến cuối năm 2025, TX An Nhơn là 1 trong 3 thị xã, thành phố của tỉnh sẽ xóa nghèo. Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, Thị ủy đã ban hành Nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã. Trong năm 2024, dù tỉnh giao TX An Nhơn giảm 1,65% hộ nghèo đa chiều, tuy nhiên TX An Nhơn quyết tâm giảm đến 1,96%. Hiện tỷ lệ nghèo đa chiều của TX An Nhơn là 3,51%, dự kiến cuối năm nay sẽ giảm còn 1,55%.
Ông Mai Xuân Tiến cho biết: “Từ các giải pháp hỗ trợ và nguồn vốn vay chính sách, nhiều hộ nghèo đã cải thiện thu nhập. Dự kiến, cuối năm 2024, toàn thị xã sẽ có 514 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, khi chuyển từ hộ nghèo sang cận nghèo, thị xã đã rà soát kỹ lưỡng và tiếp tục hỗ trợ các chiều thiếu hụt. Riêng với 44 hộ cao tuổi nghèo, đơn thân, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, thị xã sẽ hỗ trợ hằng tháng cho họ bằng mức họ thực nhận hiện nay”.
TX Hoài Nhơn phối hợp với một số đơn vị, DN xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: ĐVCC
Tương tự, TX Hoài Nhơn cũng thể hiện quyết tâm cao khi tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm 200 ngày toàn dân chung tay xây dựng TX Hoài Nhơn không còn hộ nghèo; hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn nhà tạm, nhà dột nát (7.8.2024 - 28.3.2025). Trong 200 ngày này, toàn thể chính quyền, nhân dân TX Hoài Nhơn dồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đúng thời hạn đã đề ra.
Theo Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và nhân dân thị xã chăm lo cho người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong khi đó, để lắng nghe, thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo, năm 2024, huyện Tuy Phước đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện và người dân thụ hưởng các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Nhờ đó, công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2024 của huyện đạt được những kết quả tích cực, như giải quyết việc làm cho 124 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 40 lao động tham gia làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ 92 hộ tham gia các dự án phát triển sản xuất cộng đồng...
Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: “Qua các buổi đối thoại, người dân có cơ hội trực tiếp nói lên mong muốn của mình để thoát nghèo. Đây cũng là cơ hội để huyện biết ai cần việc làm, cần đào tạo nghề, cần vốn, cần sinh kế; từ đó có sự hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Ngoài các giải pháp đã đề ra, chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát thực tế để có cách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng cụ thể”.
THẢO KHUY