Nhà vô địch Đông Dương & những đóng góp cho quê hương
Đại võ sư Mai Khoa Kỳ (1912 - 1983) sinh ra ở vùng quê Tình Giang (nay là thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Ông tuy không được truyền thông nhắc đến nhiều, nhưng giới võ thuật cổ truyền còn nhiều người nhớ đến ông - một võ sư cự phách từng là nhà vô địch Đông Dương.
Đại võ sư Mai Khoa Kỳ. Ảnh: HỒ KIM CHI
1. Mai Khoa Kỳ chập chững đến với võ cổ truyền từ những võ sư ở huyện Tuy Phước. Năm 1936, khi ấy ông đã có vợ và 1 con, nhưng niềm yêu thích võ thuật đã thôi thúc ông ra Huế xin vào võ đường Bửu Tuyển để học. Những ngày tháng đó, bỏ tiền bạc và thời gian để chuyên tâm học võ không phải là việc ai cũng có điều kiện thực hiện. Sau khi về lại quê nhà, Mai Khoa Kỳ chuyên tâm luyện tập nhiều hơn. Ông và các sư phụ ở võ đường Bửu Tuyển thư từ lại qua, chia sẻ cách thức đối luyện, cách phát dương quang đại võ Việt.
Nhờ lĩnh hội trọn vẹn, sâu sắc bài học từ các ân sư, rất nhanh, với sự bén nhạy của mình, ông đạt nhiều bước tiến vượt bậc. Với ông, trong võ thuật, thể lực, đòn thế, khả năng chịu đòn, độ nhanh và chính xác theo tinh thần đánh “đúng, trúng, đau” luôn được coi trọng. Ông quan niệm, cứ quan sát tỉ mỉ và vận dụng linh hoạt thế đánh, rèn cho nhuyễn bộ pháp và quyền cước thì mới mong đạt được thành tựu trong võ thuật.
Năm 1938, giới chức Pháp tổ chức thi đấu võ đài ở Quy Nhơn. Với khả năng chịu đòn tốt, cách vận dụng linh hoạt đòn thế, Mai Khoa Kỳ đã giành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ nặng ký và trở thành nhà vô địch Trung Kỳ. Đặc biệt, chỉ một năm sau, ông gây sửng sốt với người quan tâm võ thuật khi giành chức vô địch Đông Dương và nhận cúp Đồng đen. Từ đó, dù chọn cách sống lặng lẽ khiêm nhường, ít tham gia vào các hoạt động võ thuật của Nghĩa Bình (cũ), tên tuổi Mai Khoa Kỳ vẫn được các võ sư cùng thời thầm nể phục.
Ông Mai Chí Quốc, con trai cố Đại võ sư Mai Khoa Kỳ, giới thiệu bằng chứng nhận Đại võ sư của cha mình do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam truy phong.
Ảnh: ĐỨC LINH
2. Mai Khoa Kỳ chọn đệ tử rất kỹ. Cả đời võ học, số đệ tử chân truyền của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày trước, nhờ ông hướng dẫn, đào luyện thêm mà võ sư Trương Xuân Ba (tức Sáu Hòa) đã đánh thắng võ sư Hà Trọng Sơn.
Đại võ sư Mai Khoa Kỳ là người chu đáo, trọng lễ nghĩa. Không muốn các môn sinh, cháu con của mình lệch lạc sang hướng võ biền, thô lậu, ông chú trọng việc dạy và học văn hóa, uốn nắn cách ứng xử của học trò từ việc nói năng, thưa gởi cho đến những việc phức tạp hơn như viết lách, thư từ... Khi thâu nhận một ai đó, ông cẩn trọng coi tướng xét tâm, đánh giá đạo đức người ấy có phù hợp hay không. Ông luôn căn dặn học trò mình, học võ phải giữ cái tinh thần thượng võ, trước là phòng thân, rèn luyện sức khỏe, sau là làm việc có ích cho đời, chứ không phải ỷ mình có chút ngón nghề mà càn quấy, làm chuyện thị phi. Nói cách khác, học võ với ông là một cách rèn luyện nhân cách, phẩm giá con người. Tinh thần ấy của ông được người luyện võ tán dương, bè bạn và người trong giới võ thuật tôn trọng. Với những đóng góp của mình đối với võ cổ truyền Việt Nam, năm 2019, ông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam truy phong danh hiệu Đại võ sư.
Đại võ sư Mai Khoa Kỳ đông con, nhưng gần như chỉ truyền dạy võ thuật cho duy nhất người con út - Mai Chí Quốc (SN 1955, hiện sống tại phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn).
Nhắc nhớ về cha mình, ông Mai Chí Quốc dành niềm kính trọng: “Tôi may mắn được cha truyền dạy hết võ thuật mà ông sở hữu. Cha tôi là người nghiêm cẩn, ông luôn dạy bảo học trò không được ỷ mạnh hiếp đáp người yếu thế, không được ngang tàng hống hách. Lấy võ mà dưỡng tâm. Nhưng nếu gặp kẻ hung tàn, ngạo ngược hiếp đáp người khác thì phải ra tay tương trợ, giúp người tiêu trừ cái xấu, cái ác. Ông là người thầy, người cha mà chúng tôi hết mực kính trọng. Ngay cả những cống hiến với quê hương, cách ứng xử văn hóa, cách xây dựng nền nếp gia đình của ông, đều là điều chúng tôi kính phục, noi theo”.
3. Là người luyện võ, cố Đại võ sư Mai Khoa Kỳ cũng là một trí thức, sống tự trọng, trách nhiệm và nền nếp. Từ nhỏ, ông đã được mẹ cha cho học đủ cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Việc trau dồi tri thức đã giúp ông có nhân sinh quan riêng, sớm nhìn ra những áp bức của thực dân Pháp nơi quê nhà, nên ông đi theo cách mạng từ sớm. Năm 1945, ông cùng đồng đội vận động quần chúng tham gia cướp chính quyền huyện Tuy Phước, góp phần làm nên chiến thắng chung của quân dân ta. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, từ đó đảm nhận nhiều vị trí công tác; chỉ huy các công trình xây dựng trong hành trình kiến thiết đất nước, như xây dựng Nhà máy dệt Nam Định 8.3; Sân bay Kép Hà Nội…
Với nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước, ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều bằng khen, huân chương, huy chương. Năm 1961, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba; năm 1987 được Chủ tịch nước Trường Chinh truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Trở lại quê hương Bình Định năm 1975, trong thời đoạn địa phương thiếu vắng nhân lực, Mai Khoa Kỳ vẫn cống hiến sức mình khi đảm trách vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).
Đại võ sư Mai Khoa Kỳ mất năm 1983, nhưng suốt nhiều năm sau, những hình ảnh, câu chuyện về ông vẫn được thế hệ cháu con nhắc nhớ. Có lẽ, đó chính là “tấm huy chương” quý giá nhất đối với một đời người, khi nhận được sự yêu mến, kính trọng từ nhiều người khác…
ĐỨC LINH