Nụ cười Việt Nam
Người xưa nói “Cái quan định luận”, ngẫm ra rất đúng. Chỉ khi “cái quan” thì mới “định luận”, tức là khi người ta mất đi, đóng nắp hòm lại mới có thể kết luận người ấy tốt hay xấu, độc ác hay nhân từ. Nhiều ngày qua tôi hay nghĩ nhiều về sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Và chợt nhận ra rằng nhân dân thương yêu nhiều hơn những gì ta đã nghĩ, trong số đó có tôi. Vẫn biết là nhân dân kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lắm, nhưng nhiều đến như thế thì thú thật nhiều người bất ngờ.
***
Ngày 9.9.1969 lễ truy điệu Bác Hồ được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình (TP Hà Nội). Hai vạn dân đã về dự. Khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn, cả quảng trường đã khóc. Nhất là khi đồng chí Lê Duẩn hô: “Chúng ta thề…” thì cả quảng trường đồng loạt hô lên “Xin thề” và òa khóc. Tôi đã dự lễ truy điệu ấy, và quả thật, tất cả mọi người, trong đó có tôi, đều bật khóc nức nở.
Những tiếng khóc, những giọt nước mắt của nhân dân nói lên vị trí của vị lãnh tụ vừa qua đời trong trái tim nhân dân lớn lao như thế nào.
Lần thứ hai, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, hàng vạn người dân đã tiễn đưa Ông, và những giọt nước mắt đã rơi, những tiếng khóc lại bật lên không kìm nén được.
Bác Hồ và Võ Đại tướng sống mãi trong lòng nhân dân như thế nào thì tất cả chúng ta đều biết.
Lần thứ ba, những dòng người, là người dân, xếp hàng chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải kể tới hàng vạn. Họ chờ cả ngày, từ sáng tới tối, chỉ có một nguyện vọng duy nhất, là được vào viếng Ông Trọng. Trong dòng người xếp hàng có thể thấy những cụ ông cụ bà rất già, những em nhỏ còn đang học tiểu học, những người ở quê xa như Nam Bộ, như miền Trung, như Nghệ An, Thanh Hóa... họ bắt xe đò, đi máy bay, tàu hỏa để kịp về Hà Nội, thuê nhà trọ từ hôm trước, chỉ để nhìn mặt Tổng Bí thư lần cuối cùng.
Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống trong lòng nhân dân như thế đó.
Cách đây vài ngày, một người bạn thân của tôi là nhà thơ Ngô Thế Oanh, từ Hà Nội vào thăm tôi. Khi hai anh em ngồi hàn huyên, anh Oanh mới kể những câu chuyện đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì anh Ngô Thế Oanh học cùng lớp với ông Nguyễn Phú Trọng ở Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963 - 1967.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thầy Lê Đức Giảng, người thầy dạy học thời phổ thông của Tổng Bí thư. Ảnh: TRÍ DŨNG
Đó là lớp Văn khóa 8. Lớp này hay tổ chức họp lớp, cứ cách vài ba năm lại họp một lần. Có khi họp ở Hà Nội, có khi lên tận xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để họp lớp. Vì ngày đi học, Khoa Ngữ văn trường Tổng hợp từng sơ tán lên vùng rừng núi này tới mấy năm. Anh chị em sinh viên đã đồng cam cộng khổ với các thầy cô, bà con nhân dân và học trong hoàn cảnh hết sức vất vả.
Anh Oanh kể: “Anh Trọng là người sống rất tình cảm. Không chỉ sống giản dị, anh Trọng còn rất quý mến những bạn học của mình thời sơ tán. Mỗi lần họp lớp, dù bận tới đâu, anh Nguyễn Phú Trọng cũng thu xếp tới với các bạn bè. Nhớ có lần, anh Trọng đi xe máy tới họp lớp, hai tay ôm hai chai rượu không vỏ bọc, để anh em cùng uống vui với nhau”.
Có lần, anh Ngô Thế Oanh vốn là người rất khiêm nhường, ít nói, tìm chỗ đứng phía cuối phòng họp, thì anh Trọng mang cốc bia xuống thẳng chỗ anh Oanh đứng, chạm cốc đầy tình cảm và nói một câu thật ấm áp với bạn mình: “ Bao nhiêu năm nay tôi để ý tìm Oanh, lần này mới gặp. Tôi nhớ bạn những năm bạn đi chiến trường, nhớ bạn là người rất mê đọc sách, bạn ít nói nhưng sống rất có tình”.
Những biểu hiện tình cảm ấm áp như thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ thể hiện với bạn học cùng lớp, ông còn thể hiện với những người dân bình thường mà ông tình cờ gặp gỡ. Cứ nhìn lại những bức ảnh chụp Tổng Bí thư Trọng ngồi hay đứng với nhân dân, thì cái choàng tay và nụ cười nhân hậu của ông đã nói lên tình cảm và tâm hồn của người lãnh đạo này. Tuyệt đối chân tình, tuyệt đối không diễn. Đến với nhân dân như trở về nhà, như sống với người thân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) năm 2012. Ảnh: VĂN LƯU
Nói thật, nhân dân mình tinh lắm. Đối xử với nhân dân như thế nào, thì sẽ nhận được từ nhân dân đúng như vậy.
Nhân dân đã rơi nước mắt tiếc thương. Nhân dân đã nhớ lại khi còn sống, ông Nguyễn Phú Trọng đã thương yêu quý trọng nhân dân như thế nào. Tình thương yêu của Tổng Bí thư đã tới với những người dân nghèo khổ nhất, những người dễ bị lãng quên, dễ bị bỏ lại phía sau nhất.
Tôi nghĩ, tình yêu thương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nhân dân mình chính là một di sản hết sức quý báu ông để lại cho nhân dân, và cho những người lãnh đạo đất nước này. Nói đơn giản, nôm na là sống sao để dân thương yêu, kính trọng.
Ngày xưa, khi Bác Hồ qua đời, nhà thơ Việt Phương đã viết bài thơ khóc Bác: “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”. Vâng, đó là di sản lớn nhất Bác Hồ để lại cho quê hương đất nước, cho nhân dân. Rõ ràng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kế tục xứng đáng di sản Bác Hồ, khi qua đời ông Trọng đã để lại tình thương yêu đằm thắm với nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi bà con làng Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, TP Kon Tum trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum (4.2017). Ảnh: Báo Kon Tum
Ở đời, đạo đức lớn nhất của người lãnh đạo là biết thương yêu nhân dân, biết sống và nghĩ cho nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được điều giản dị nhưng vô cùng khó khăn ấy. Người Việt Nam mình bao giờ cũng trọng chữ tình, chữ nghĩa. Đó là biết quý trọng con người, là sống nhân văn đúng tinh thần Việt Nam.
Nhân dân yêu thương và nhớ tiếc người Tổng Bí thư của mình chính vì ông Nguyễn Phú Trọng có những phẩm chất bình thường nhưng rất lớn lao như vậy.
Nhiều di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rồi đây sẽ tiếp tục được thực hiện cùng với thời gian. Nhưng di sản tình thương yêu nhân dân mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại thì còn mãi. Khi đất nước ta phát triển ở tầm cao hơn bây giờ, nhân dân ta không còn người nghèo khổ, thì lúc ấy, hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại hiện lên ấm áp, nhân hậu với nụ cười thỏa nguyện. Tôi tin rằng đó là Nụ cười Việt Nam.
THANH THẢO