Ðịa đạo Gò Quánh: Nơi lưu dấu một thời hoa lửa
Địa đạo Gò Quánh đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Hoài Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung. Di tích lịch sử này là niềm tự hào của người dân địa phương, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Căn cứ địa cách mạng
Gò Quánh là tên người dân đặt cho khu đồi gò rộng lớn, trước đây thuộc thôn Mỹ An, nay là khu phố Mỹ An 1 và Mỹ An 2, phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam, Liên khu ủy khu 5 và Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo Huyện ủy, Huyện đội Hoài Nhơn và Đảng ủy xã Hoài Thanh chọn địa điểm gò Quánh để xây dựng hệ thống địa đạo kiên cố, nhằm tạo thế trận vững chắc che chở cho các lực lượng cách mạng đánh địch. Địa đạo Gò Quánh ngoài chức năng “ngày phòng thủ, đêm diệt địch” ngay giữa lòng dân, còn là căn cứ tác chiến ngăn bước tiến quân của địch từ hướng Đông (phía biển) đổ vào.
Di tích Địa đạo Gò Quánh là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng, lòng yêu nước cho nhân dân địa phương. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Công tác xây dựng địa đạo Gò Quánh khi đó do đồng chí Lâm Hỷ- Huyện ủy viên, Huyện đội trưởng Hoài Nhơn phụ trách; lực lượng tham gia đào địa đạo chủ yếu là đảng viên, du kích các xã, thôn trong huyện và xã Hoài Thanh. Lực lượng được chia thành 7 tổ luân phiên đào địa đạo trong bí mật, tổ này không biết đến tổ khác. Địa đạo Gò Quánh đào từ cuối năm 1964 và hoàn chỉnh trong năm 1966. Địa đạo là hệ thống giao thông hào dày đặc, là nơi trú quân, tránh bom, pháo, cứu chữa thương binh dã chiến. Dựa vào hệ thống địa đạo kết hợp công sự mật, quân và dân Hoài Nhơn kết hợp với lực lượng bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ, nhập thần”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của LLVT nhân dân Hoài Nhơn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Những ngày đầu tháng 8, tôi đến nhà vợ chồng cụ Võ Xuôi (92 tuổi) và Nguyễn Thị Phi (85 tuổi) ở khu phố Mỹ An 2, phường Hoài Thanh, để nghe chuyện đào địa đạo năm xưa. Dù tuổi cao, đi đứng khó khăn, nhưng hai cụ vẫn còn minh mẫn khi nhắc về địa đạo Gò Quánh. Cụ Xuôi kể: “Tôi tham gia đào địa đạo trong nửa tháng, người dân thôn nào đào theo thôn đó. Thôn tôi ngày đó có 20 người tham gia đào địa đạo, cách thức đào là từ mặt đất đào sâu xuống hơn 10 m mở miệng rộng như miệng giếng, rồi từ đó đào xuyên ngang lòng đất theo nhiều nhánh nhỏ”.
Còn cụ Phi tuy không trực tiếp đào địa đạo Gò Quánh nhưng tham gia cung cấp vật dụng để đào. Cụ nhớ lại: “Khi tiến hành đào địa đạo, có một số hầm trú ẩn trong nhà dân ở đây được khai mở thêm để thông với địa đạo. Ngày ấy, tôi tham gia tiếp tế dây dừa, cuốc, xẻng, xà beng… cho bộ đội, du kích và bà con trong thôn đào địa đạo. Đất đào lên được gánh đi đổ trong những bụi rậm, hoặc cách xa nơi đào hầm để tránh bị địch phát hiện. Làm ngày, làm đêm đến năm 1966 thì hệ thống địa đạo Gò Quánh hoàn chỉnh”.
Đến năm 1969, địch phát hiện một đoạn địa đạo, chúng huy động lực lượng lớn vây ráp, khui phá hàng chục hầm bí mật, kể cả các giếng nước có lực lượng ta ở, nhiều cán bộ, quân ta dũng cảm chiến đấu và hy sinh. Địa đạo sau đó vẫn tiếp tục được sử dụng và đào mở rộng; đến năm 1973 vẫn còn đào mở rộng thêm.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước
Địa đạo Gò Quánh hiện còn 12 miệng hầm, mỗi miệng hầm rộng khoảng 1,6 m, sâu 10 - 13 m, các miệng hầm cách nhau trên dưới 100 m, tổng chiều dài toàn tuyến địa đạo từ miệng hầm số 1 đến miệng hầm số 12 khoảng 7 km. Địa đạo Gò Quánh được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 7.3.2019.
Dẫn tôi ra sau sân nhà chỉ vào một miệng hầm địa đạo, bà Huỳnh Thị Nông (73 tuổi) ở khu phố Mỹ An 1, phường Hoài Thanh, cho biết: “Hồi tôi còn nhỏ đã chứng kiến những người lớn, trong đó có ba tôi đào địa đạo trong vườn nhà. Miệng hầm số 5 nằm trong sân nhà tôi hiện được rào chắn bảo vệ. Tôi cũng như bà con nhân dân địa phương rất tự hào về địa đạo này, bởi nó là chứng tích về một thời kháng chiến chống Mỹ đầy hào hùng trên quê hương xứ Dừa”.
Miệng hầm số 5 của địa đạo Gò Quánh nằm trong sân nhà bà Huỳnh Thị Nông, ở khu phố Mỹ An 1, phường Hoài Thanh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Địa đạo Gò Quánh hiện là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng anh hùng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh, cho biết: “Để phát huy giá trị di tích địa đạo Gò Quánh, phường thường xuyên tuyên truyền nhân dân không xâm phạm các miệng hầm địa đạo, cũng như phân công nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích cho các hội, đoàn thể ở phường, khu phố Mỹ An 2, Mỹ An 2. Đến ngày lễ lớn, Đoàn Thanh niên, Hội CCB phường phối hợp với các trường học đưa học sinh đến dọn vệ sinh, kể chuyện về địa đạo Gò Quánh để giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, sống có trách nhiệm, cống hiến công sức xây dựng quê hương”.
Giữa tháng 9.2021, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Địa đạo Gò Quánh. Đến đầu tháng 11.2022, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Địa đạo Gò Quánh. Theo đó, di tích lịch sử Địa đạo Gò Quánh được quy hoạch trong phạm vi diện tích hơn 7,47 ha; trong đó, diện tích xây dựng mới các công trình hơn 0,42 ha; diện tích xây khu trung tâm, tưởng niệm, tham quan di tích hơn 0,65 ha, còn lại là diện tích đường giao thông, trồng cây xanh. Hiện TX Hoài Nhơn đã mở rộng đường giao thông từ trung tâm phường Hoài Thanh đến khu di tích, lập rào chắn để bảo vệ hiện trạng 12 miệng hầm…
Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TX Hoài Nhơn, cho biết: “Trên cơ sở phê duyệt của tỉnh, thị xã có kế hoạch chỉnh trang, xây dựng điểm tham quan 12 miệng hầm địa đạo; tu bổ, phục hồi các miệng hầm, đường dẫn vào địa đạo dưới lòng đất, xây dựng thêm tiểu cảnh để phục vụ công chúng tham quan. Cùng với di tích Địa đạo Gò Quánh, thị xã cũng có định hướng quy hoạch đầu tư các di tích khác trên địa bàn, như Đồi Mười, Dốc Cát… gắn kết chuỗi di tích phục vụ du lịch văn hóa lịch sử ở Hoài Nhơn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN