KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ÐỊNH GENEVE VỀ ÐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM (1954 - 2024):
Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập
Hiệp định Geneve 1954 quy định Cảng Quy Nhơn là 1 trong 3 điểm của miền Nam được chọn là điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc của QĐND Việt Nam. Cuộc chia tay vì nghĩa lớn thiêng liêng, cao cả được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên CNXH, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nam - Bắc là một nhà
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954), mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Đế quốc Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve về lập lại hòa bình ở Đông Dương, thừa nhận độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào, rút quân đội Pháp về nước. Mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước.
Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc được xây dựng trên đường Xuân Diệu hướng ra bãi biển Quy Nhơn để ghi nhớ sự kiện 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Ảnh: H.P
Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, QĐND Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội liên hiệp Pháp ở phía Nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời đặt dưới sự quản lý của đối phương và quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7.1956.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình Định là khu vực 300 ngày và Cảng Quy Nhơn là điểm duy nhất để đưa các lực lượng trong Liên khu 5 tập kết ra miền Bắc. Số lượng người ra đi rất lớn, gồm toàn bộ LLVT, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, một số con em cán bộ và học sinh do gia đình gửi ra miền Bắc học tập.
Việc đưa con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn thể hiện tình cảm hết sức sâu nặng của Trung ương, của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam. Hơn thế, việc làm này có ý nghĩa sâu thẳm từ trong trái tim của Bác: “Nước Việt Nam là một, là thống nhất”.
Để ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng này, UBND tỉnh đã xây dựng công trình văn hóa Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc. Đài kỷ niệm được khánh thành năm 2009, nằm trên mặt tiền đường Xuân Diệu hướng ra biển, trước Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đài kỷ niệm được dựng xây trên khuôn viên có diện tích đất 800 m2 (dài 40 m, rộng 20 m), có chủ đề “Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập”.
Niềm tin tất thắng
Sự kiện cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn là cuộc chia tay vì nghĩa lớn thiêng liêng, cao cả. Có những người con chưa kịp từ biệt cha mẹ, anh chị để đi xa, nhưng họ luôn ý thức được rằng mình là những người con của Tổ quốc, không ngừng nỗ lực, vượt bao khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và có nhiều đóng góp cho việc xây dựng CNXH ở miền Bắc cũng như công cuộc kháng chiến, thống nhất nước nhà.
CCB Phan Văn Bảy (ở khu phố 4, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) hào hứng khoe Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng và ký tặng. Ảnh: H.P
Năm 1951, thanh niên Phan Văn Bảy (hiện ở khu phố 4, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) thoát ly gia đình tham gia cách mạng khi mới 21 tuổi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung đoàn 96 nơi ông công tác được biên chế về Sư đoàn 305 (Quân khu 5). Ông Bảy kể rằng, sau khi dự lễ 2.9.1954 tại sân bay Phù Cát, các đơn vị nhận được lệnh di chuyển về Quy Nhơn để đi ra Bắc.
“Lúc đó toàn đơn vị của tôi đi bộ di chuyển xuống Gò Bồi để nghỉ ngơi, chuẩn bị lương thực, chủ yếu là nấu bánh chưng, bánh tét. Về đến Quy Nhơn, tôi được đơn vị cho phép nghỉ 3 tiếng để về thăm gia đình. Về đến nhà, tôi chỉ gặp được cha, còn 2 anh cũng tham gia cách mạng nên không gặp được. Là thanh niên, thời điểm đó nghe nói được đi ra Bắc ai cũng hăng hái lắm. Riêng Sư đoàn 305 đã có hơn 1.000 chiến sĩ lên tàu. Do đi vào dịp cuối năm, tàu gặp phải gió mùa Đông Bắc khiến anh em bị say sóng rất nhiều. 5 ngày di chuyển trên biển, đoàn đến điểm tập kết ở Cửa Hội (Nghệ An). Sau đó, di chuyển về các địa phương ở miền Bắc để học tập, thực hiện nhiệm vụ”, ông Bảy kể lại.
Thời gian, tuổi tác chưa bao giờ làm “già” đi ký ức của CCB Nguyễn Nề (SN 1930, ở khu phố 3, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn). Khi đang là lính trinh sát thông tin Sư đoàn 305 (Quân khu 5) ông lên chuyến tàu ra Bắc tập kết vào tháng 4.1954. Tàu đến vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) thì dừng lại, ông Nề được phân công lên huyện Nông Cống để thực hiện nhiệm vụ.
“Sau Hiệp định Geneve, ở vùng giải phóng và một số vùng tự do của miền Bắc, nhân dân ta còn phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống Pháp và bọn Ngô Đình Diệm dụ dỗ và bắt ép một số đồng bào ta vào miền Nam. Là lính trinh sát thông tin nên tôi thường xuyên đi cơ sở để nắm tình hình về báo cáo cho đơn vị, địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu rõ chính sách đúng đắn của ta và vạch trần những luận điệu xảo trá của địch”, ông Nề cho hay.
Sau gần 10 năm làm nhiệm vụ ở miền Bắc, tháng 9.1964, ông Nề được điều động về Mặt trận Tây Nguyên (mật danh B3) làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Ông Nề cũng có 10 năm tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Nhiệm vụ nào ông cũng đều nhận và hoàn thành xuất sắc. Ghi nhận công lao của ông Nề, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Campuchia tặng Huân chương Độc lập hạng ba...
Mỗi ký ức, mỗi câu chuyện, mỗi lời kể của các CCB từng tập kết ra Bắc đều gắn liền với sự hy sinh của một thời tuổi trẻ vì cuộc sống bình yên hôm nay. Ở tuổi 94, CCB Lê Văn Hồ (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian đầu mới tập kết ra Bắc.
Tháng 2.1955, ông tập kết ra Bắc và được phân công về Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương. Ban ngày tham gia lao động, học tập, nhưng mỗi khi đêm về, ông cũng như nhiều người khác khóc ướt gối vì nhớ nhà, nhớ gia đình, thương đồng bào quê hương còn sống trong cảnh đạn bom, khói lửa.
“Nhưng được sự quan tâm, đùm bọc của cán bộ, nhân dân miền Bắc với tinh thần “thà chịu đói, chịu rét chứ không để cán bộ, học sinh miền Nam không đủ áo ấm, thiếu cơm ăn”, chúng tôi đã không phụ lòng tin của Đảng, Bác Hồ và tấm lòng của đồng bào miền Bắc. Riêng tôi đã tích cực tham gia khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Lào Cai; bảo vệ chuyên gia Liên Xô sang giúp ta xây dựng nhà máy chè Phú Thọ...”, ông Hồ bồi hồi nhớ lại.
HỒNG PHÚC