Đưa Quy Nhơn thành điểm đến mới của châu Á
Hai lần được vinh danh Thành phố du lịch sạch ASEAN, Quy Nhơn đang vươn lên là điểm đến hàng đầu châu Á. Dù vậy, thành phố cần thêm chiến lược phát triển hoạt động, dịch vụ, nhất là dịch vụ kinh tế đêm để phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.
Tận dụng lợi thế
Những năm qua, du lịch Quy Nhơn - Bình Ðịnh bứt phá mạnh mẽ, được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Việt Nam và là 1 trong 3 thành phố du lịch của Việt Nam nhận giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN. Giải thưởng, ngoài việc góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu du lịch chất lượng cao trong khu vực ASEAN, còn có giá trị rất lớn trong quảng bá du lịch Quy Nhơn - Bình Định ra quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch và các dự án đầu tư về du lịch, kích cầu du lịch. Năm 2022, tờ Traveller (Úc) đánh giá Quy Nhơn là nơi sẽ mang lại sự rung cảm đích thực về một thành phố nhỏ cùng bãi biển đẹp, hứa hẹn trở thành điểm đến lớn về du lịch biển.
Với bãi biển rộng, ngay sát trung tâm thành phố, Quy Nhơn có lợi thế phát triển sản phẩm du lịch biển. Ảnh: DŨNG NHÂN
Để đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch quốc tế, từ đầu năm đến nay, tỉnh và thành phố tập trung tổ chức hàng loạt sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế tại Quy Nhơn như: Giải đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024 và Tuần lễ Amazing Bình Định Fest 2024; hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch quốc tế và sự kiện gặp gỡ các tỷ phú…
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho hay: Hiện nay, Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” cùng với chuỗi các giải thể thao quốc gia tổ chức tại Quy Nhơn - Bình Định; Liên hoan lân, sư, rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ III năm 2024… góp phần nâng tầm du lịch Quy Nhơn - Bình Định, mang lại tín hiệu tăng trưởng du lịch đáng mừng cho TP Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định.
Minh chứng là 7 tháng đầu năm nay, thành phố đón trên 6 triệu lượt khách du lịch, tăng 97,9% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu đạt 16.288 tỷ đồng, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Thêm sức hút cho điểm đến
Đón nhận niềm vui giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN, Quy Nhơn cũng xác định tập trung công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị... nhằm tăng sức hút các nguồn lực đầu tư du lịch.
Ở khu vực nội thành, thành phố đầu tư xây dựng các tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Thiếp - Nguyễn Lạc - Trần Độc, Đô Đốc Bảo; các khu dân cư dọc kè sông Hà Thanh, hay tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu… Các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu xây dựng điểm du lịch trên bãi biển; quy hoạch đô thị và không gian du lịch… Điều này không chỉ cải thiện mỹ quan đô thị mà còn tạo ra môi trường sống và du lịch tốt hơn cho cả người dân và du khách.
Nhơn Lý phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Ảnh: N.HỮU
Bên cạnh đó, thành phố đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và phát triển các điểm đến mới; phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng); bảo tồn và phát triển du lịch bền vững khu vực làng chài xã Nhơn Lý; các điểm du lịch tại xã đảo Nhơn Châu… Quy hoạch và giao quyền quản lý cho cộng đồng 4 khu bảo tồn biển có tổng diện tích 45 ha, nhằm bảo tồn, bảo vệ môi trường, kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản và du lịch gắn với sinh kế người dân… Qua đó, đã tạo cho diện mạo TP Quy Nhơn có nhiều khởi sắc, cung cấp các hạ tầng cần thiết phục vụ phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Tấn Dũng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho hay: 5 năm qua, Nhơn Lý đã làm một cuộc dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ 90% là hoạt động đánh bắt thủy hải sản, 10% dịch vụ thành 60% làm dịch vụ, chủ yếu là du lịch. Mức thu nhập bình quân của người dân từ 22 triệu đồng/năm đã tăng lên 56,6 triệu đồng/năm. Nhơn Lý cũng xây dựng nghị quyết trở thành xã du lịch gắn với mũi nhọn du lịch biển.
“Cả hệ thống chính trị xã Nhơn Lý và tổ chức, DN, người dân cùng vào cuộc xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, mà trước hết là đảm bảo môi trường sạch - đẹp. Chúng tôi có hẳn nghị quyết xây dựng xã sáng - xanh - sạch- đẹp để trở thành xã du lịch. Xã thành lập đội thu gom rác thải hằng ngày; phát động cùng với DN tổ chức chương trình “Thứ Bảy, Chủ nhật xanh” tại các điểm du lịch, điểm công cộng”, ông Dũng chia sẻ.
Công ty CP Khánh An Bình Định tổ chức cho nhân viên và khách du lịch tham gia hoạt động thu gom rác bảo vệ môi trường du lịch biển. Ảnh: M.H
Anh Nguyễn Hữu Ðảo, Giám đốc Công ty CP Khánh An Bình Định (Nhơn Lý) cho hay: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ rạn san hô nơi đây là chiến lược của DN chúng tôi. Khi Nhơn Lý thu hút nhiều du khách, tôi nghĩ cách thay đổi những thói quen của người dân xã biển và cùng kết nối với các tổ chức, DN hoạt động trên lĩnh vực du lịch, khách du lịch tổ chức hoạt động thu gom rác bảo vệ môi trường biển, bảo vệ rạn san hô…
Đến tham quan và tham gia vào hoạt động thu gom rác bảo vệ môi trường du lịch biển tại xã Nhơn Lý dịp tháng 8.2024, chị Hoàng Cẩm Mai (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ rất ấn tượng với cách làm vừa phát triển du lịch vừa gìn giữ và bảo vệ môi trường nơi đây.
Khai phá thêm sản phẩm du lịch
Trong lần đến Bình Định dự hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phân tích, Quy Nhơn - Bình Định là một điểm đến du lịch tiềm năng, khả năng vươn tầm điểm đến hàng đầu của châu Á và điều này hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì, nơi đây có một vẻ đẹp nguyên sơ không phải nơi nào cũng sở hữu được. Địa phương còn đang được hướng tới là trung tâm trí tuệ nhân tạo mang tầm đẳng cấp thế giới, là nơi thường xuyên tập trung hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học của các nước. Cách tiếp cận văn hóa cũng rất khác. Vấn đề nằm ở việc Bình Định - Quy Nhơn khai thác điểm mạnh này.
Năm nay, các sự kiện thể thao, du lịch biển quy mô quốc gia, quốc tế diễn ra tại TP Quy Nhơn đã kích cầu phát triển du lịch biển, đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch quốc tế. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Phương Nam cũng nhìn nhận, một trong những điểm nghẽn của điểm đến Quy Nhơn là khó khăn về thu hút khách quốc tế bởi chưa có sân bay quốc tế gần thành phố. Đặc biệt, chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho các hoạt động phát triển kinh tế ban đêm.
“Phát triển du lịch Quy Nhơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì các hoạt động, dịch vụ ban đêm là một hướng mở. Tới đây, thành phố sẽ hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn trên cơ sở Đề án phát triển kinh tế ban đêm của UBND tỉnh sau khi được ban hành. Trong đó, tập trung triển khai các đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm phát triển du lịch, tạo điểm nhấn và sản phẩm du lịch đặc trưng, kinh tế đêm như: Phố đi bộ Quy Nhơn, dự án dịch vụ giải trí Galina Quy Nhon Beach Park, di dời chợ đêm Quy Nhơn đến địa điểm mới..., và tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư các mô hình dịch vụ du lịch trên bãi biển Xuân Diệu”, ông Nam nhấn mạnh.
Lễ hội thả diều nghệ thuật trên bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: N.DŨNG
Đồng thời, thành phố tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tăng cường chiếu sáng trang trí, chiếu sáng nghệ thuật tại các khu vực hoạt động ban đêm. Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá các hoạt động phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hỗ trợ chủ động và tích cực cho các chủ thể tham gia kinh tế ban đêm…
Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh cũng gợi mở thêm, TP Quy Nhơn cần đầu tư, khai thác các lợi thế, dư địa về phát triển du lịch; các ngành, lĩnh vực chính theo định hướng quy hoạch của tỉnh như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị); dịch vụ du lịch biển, đầm và sông nước; du lịch văn hóa, lịch sử gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương; du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; du lịch thể thao và sự kiện; du lịch khám phá khoa học, nhằm tạo sức hút đối với du khách khi đến với thành phố. Ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch biển đảo là trọng tâm gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
THU HIỀN