Suối Hà Dớ “Người đẹp ngủ say” ở Canh Liên
Mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách với nét đẹp nguyên sơ cùng những câu chuyện dân gian hấp dẫn mà người dân nơi đây còn lưu giữ, suối Hà Dớ ở giữa núi rừng Canh Liên đang được kỳ vọng sẽ tạo một điểm nhấn về du lịch ở Vân Canh.
Phải lòng cảnh sắc nguyên sơ
Bạn tôi, anh Đoàn Duy Kiển, người xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, hiện là Giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư và du lịch KIFA Travel, hào hứng khi nhắc về Hà Dớ. Anh “cảnh báo”: “Vào đó, anh... cẩn thận kẻo bị “người đẹp” Hà Dớ hớp hồn, chẳng muốn về đấy. Không phải ở quê em mà em quảng cáo đâu. Nhiều lần đưa khách du lịch về đây, ai cũng xuýt xoa con suối này làm họ mê mẩn, nhất là với người muốn trải nghiệm những cảnh đẹp còn giữ nét nguyên sơ của núi rừng, của suối nguồn”.
Điểm đầu nguồn của suối Hà Dớ. Ảnh: THANH HẢI
Nắng như giòn hơn những ngày cuối hè, tôi trở lại Canh Liên thăm một người bạn cũ, kết hợp xác thực “người đẹp ngủ say trong rừng” có tên Hà Dớ mà nhiều người nhắc đến. Từ thị trấn Vân Canh đến trung tâm xã Canh Liên phải vượt qua cung đường đèo dài hơn 20 km với nhiều dốc cao, núi đồi bao bọc xung quanh.
Điểm dừng chân đầu tiên mà ai cũng muốn check-in là nơi có công trình như một lời chào những vị khách đến với núi rừng Canh Liên tạo hình hai cánh tay ôm vòng cung thả hình trái tim - Canh Liên chào bạn! Đứng tại đây, nơi có độ cao so với mực nước biển khoảng 1.000 m, thả tầm mắt về ngun ngút phía xa với núi đồi trập trùng, ta thấy lòng mình như được nới rộng ra, liền lạc với mênh mông đất trời xanh thẳm.
Canh Liên có sự cộng cư của nhiều dân tộc: Bana, Chăm, Kinh, Mường, Thái... với cuộc sống bình yên, thuận hòa, con người nồng hậu mến khách. Sau khi đến trung tâm xã, tôi được người dân hướng dẫn di chuyển thêm 4 km để tới Hà Dớ. Phía hạ nguồn con suối đón chào khách lạ bằng tiếng róc rách của dòng nước mát trong theo những cội đá rong rêu xù xì. Cảm giác mát lành như len chảy theo từng hơi hít hà giãn nở lồng ngực. Từ đây, tôi phải mất một giờ đi bộ, men theo những lối mòn nhỏ hẹp để đến thượng nguồn. Trên đường đi, tôi ngắm thỏa thuê những dáng hình của đá, chúng tựa như những dáng ngồi thiền định lắng nghe tiếng nói cỏ cây. Đoạn giữa suối, có một tảng đá lớn phẳng và rộng tầm 20 m2, là điểm dừng chân nghỉ mệt giữa chừng.
Nhẩn nha khám phá, cuối cùng tôi cũng đã đến điểm thượng nguồn con suối. Trước mắt tôi, một thác nước cao tầm 10 m đổ xuống trắng xóa, bọt tạo thành lớp sương mỏng mảnh vây phủ một quãng hồ rộng dưới chân thác. Không khí mát rượi phả vào người từng cơn sảng khoái. Tôi thả lỏng cơ thể mình, để chan hòa vào mát xanh cây cỏ, để nghe tiếng suối róc rách dịu mát tâm hồn, nghe khung ngực mình giãn nở hít căng từng ngụm không khí trong lành nơi đây.
Truyền thuyết Hà Dớ
Khám phá Hà Dớ, tôi bịn rịn như chẳng muốn rời đi, quả như người bạn tôi nói, Hà Dớ như một người đẹp đang ngủ say đầy quyến rũ vậy. Điểm thú vị là khi thắc mắc tên gọi con suối này, chị Thiên Nga Sô Zuôn (hiện đang sinh sống tại làng Kà Bưng, xã Canh Liên), một người sưu tầm văn hóa dân gian tại địa phương, kể lại một truyền thuyết dân gian lý thú.
Suối Hà Dớ còn nét đẹp nguyên sơ, mang đến cảm giác mát lành, dễ chịu cho du khách. Ảnh: N.V
Lúc trước, chỗ con suối Hà Dớ bây giờ vẫn rất rậm rạp, đất rộng người thưa nên chưa khai hoang tới đó. Vì cuộc sống tự cung tự cấp nên dân làng thường đi săn tập thể. Một ngày nọ, dân làng săn được một con nai tơ nên ai nấy đều vui mừng. Mọi người nói chuyện rôm rả trong lúc ngồi đợi chia phần. Bỗng nhiên có người đàn ông đứng dậy, chỉ tay về phía chiếc hũ sành đựng tiết nai rồi cất giọng:
- Đấy! Lúc nãy chạy khỏe lắm mà. Bây giờ có giỏi thì đội cả cái dớ (hũ sành) chạy luôn đi. Rượt theo săn lại tụi tao, giống như tụi tao đã làm với mày đi!
Ông ta vừa nói xong thì tiết nai từ trong cái hũ bỗng bắn thành tia về phía người đàn ông đó. Lập tức, ông ta chết khô như máu vừa bị rút cạn. Những người còn lại thấy thế hoảng loạn, mạnh ai nấy chạy. Một số ít về được tới làng. Người làng sau đó cùng nhau làm rất nhiều cung nỏ. Nhưng có đi không về. Già làng bất lực, bảo dân chúng ai đi được bao xa thì đi, miễn sao còn mạng. Thế nhưng cứ ra khỏi làng là cái dớ chạy theo liếm hết. Già làng thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng, nên kêu gọi những thanh niên còn sót lại đi p-rah Dớ (đi bắn cái hũ sành) để cứu người dân. Già gọi hoài gọi mãi, cuối cùng cũng có người mở cửa bước ra. Đó là một cậu bé mồ côi khoảng chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Cậu bé nói với dân làng rằng mình là trẻ mồ côi, có chết cũng sẽ không vướng bận điều gì. Do vậy, cậu cầm chân cái dớ cho dân làng tranh thủ rời đi.
Cậu bé xuôi theo dòng nước, kéo ba gùi tên nhọn đến nơi hôm trước mổ nai. Rồi cậu cõng từng cái gùi leo lên cái cây cao nhất, ca hát vang rừng tạo chú ý cho quái dớ đi săn người. Sau ba ngày đêm giương nỏ, số tên mang theo chỉ còn đúng 3 cây. Máu trong cái dớ cứ như cái lưỡi dài ngoằng, khi liếm chỗ này, lúc lè chỗ khác. Cả núi tên bắn vào nó cũng chỉ như bắn vào hư không. Khi chỉ còn lại mũi tên cuối cùng, cậu bé bắn thẳng vào trong miệng dớ. Thế rồi một tiếng rú ghê rợn vang động khắp rừng…
Cái dớ đã vỡ tung thành nhiều mảnh. Mặt trời ngày thứ tư cũng vừa ló dạng. Từ đó, nơi cậu bé bắn hạ con quái dớ gọi là P-Rah Jớ, nghĩa là bắn cái hũ sành. Ngày nay, theo phát âm của người dân nơi khác, họ gọi P-Rah Jớ là Hà Dớ hoặc là Hà Dế, là tên con suối ở Canh Liên hiện nay.
Câu chuyện như góp thêm vẻ đẹp cho Hà Dớ, gia tăng nét huyền thoại của con suối này. Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng từ phía địa phương, tôi tin rằng Hà Dớ sẽ là một điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách xa gần.
NGUYỄN VĂN