Làng bè không yên tĩnh
Hơn chục năm qua, các hộ dân ở tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn)- nơi mà nhiều người vẫn gọi là Hải Minh Trong, để phân biệt với Hải Minh Ngoài là khu vực phía dưới chân tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo - có thêm nghề mới ngoài nghề lặn biển. Đó là nghề nuôi cá lồng. Có thể coi đây là nghề giúp dân đổi đời. Điều đáng nói là gần đây bà con mất ăn mất ngủ vì nạn trộm cá.
Là cửa khẩu nối thông nước từ đầm Thị Nại ra biển, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho một vùng nước có độ mặn thích hợp, kín gió, sóng nhỏ, có độ sâu vừa phải, đáy là sỏi cát... đảm bảo các điều kiện nuôi cá lồng, nhất là cá hồng và cá mú.
Chỉ với hơn 1 ha mặt nước, đã có 80 hộ dân nơi đây đặt hơn 90 bè nuôi cá san sát nhau. Bè gồm các xà gỗ được nối với nhau bằng bulông và giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống các phuy bằng nhựa. Một bè nuôi cá có nhiều khung lồng liên kết với nhau. Lồng làm bằng lưới sợi tổng hợp. Miệng lồng được buộc chặt vào khung gỗ và giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống phao, các góc đáy lồng được buộc vào những bao đá đảm bảo cho lưới chìm đều. Mỗi bè cá đầu tư tốn cả trăm triệu đồng.
Sau những thăng trầm của nghề lặn đục san hô, lặn bắt cá, bắt tôm hùm, lặn ốc xanh, lặn khai thác tàu chìm… có thể coi nghề nuôi cá lồng như một nghề giúp người dân nơi đây đổi đời, nhất là trong tình hình nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, nghề lặn lắm khi lỗ tổn. Dù vậy, nghề nuôi cá lồng ở Hải Minh Trong thời gian qua còn phải đối mặt với nhiều gian khó. Người nuôi cá lo sợ nhất vẫn là những ngày mưa to, gió bão. Nước từ thượng nguồn đổ về đầm Thị Nại rồi ào ra biển khiến nước trong các lồng cá không bảo đảm độ mặn cần thiết, cá không chịu nổi ngoi ngóp trong lồng. Chủ bè phải lo căng bạt chở nước mặn ngoài khơi đem về nhà cứu cá.
Hay như những khi nguồn nước bị ô nhiễm, chủ bè phải di dời cả lồng cá đi nơi khác, như những ngày cuối tháng 8 qua, các bè nuôi cá bóp phải di dời ra tận phía Hải Giang để tránh dịch bệnh. Rồi thì những rủi ro, bất trắc khi lưới lồng bị hà cắt rách, cá tuôn ra ngoài. Hay những lúc mất ăn mất ngủ lo chống chọi với bệnh rận, bệnh lở mình của cá… Thời gian gần đây, cả làng nuôi cá Hải Minh Trong lại phải mất ăn mất ngủ để lo chống chọi với nạn trộm cá. Cứ tối đến nhiều hộ nuôi cá phải cử người ra ngủ ở lồng để canh giữ vì lo mất trộm cá.
Theo những người dân nơi đây, dấu hiệu mất trộm cá ở các lồng bè được khả nghi từ 9 tháng trước. Tuy nhiên, sự việc được phát giác thật sự khi bà Đoàn Thị Gái phát đơn gửi cơ quan chức năng ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn báo mất 14 con cá mú đang chuẩn bị khai thác, mỗi con xấp xỉ 1kg vào ngày 10.5.2014. Bà Gái vừa là người nuôi cá vừa là người thu mua cá ở các lồng bè nơi đây để cung cấp cho các chợ và các đầu mối gửi đi xa. Từ mối quan hệ này, bà Gái đã xác định được toàn bộ số cá bà mất do một người phụ nữ tên H. ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn lâu nay vẫn sinh sống bằng nghề thả lờ ở gần khu vực nuôi cá của bà con tổ 46, khu vực 9 mang bán cho các bạn hàng của bà với giá 220 ngàn đồng/kg (trong khi giá cá mú đúng vào lúc đó là 260 ngàn đồng). Trong đơn báo cáo, bà Gái ghi rõ tên người bán cá và người mua cá nhưng từ đó đến nay đã 5 tháng trôi qua chính quyền địa phương vẫn chưa điều tra ra thủ phạm.
Gần đây ông Đoàn Văn Minh, ông Tú, bà Mạnh, ông Đỏ… những người nuôi cá nơi đây lại tiếp tục cáo giác bị mất cá. Ông Nguyễn Văn Điện, Tổ trưởng tổ cộng đồng nuôi cá lồng bè ở đây cũng bức xúc: “Mấy tháng qua có nhiều bà con trong tổ báo mất cá nhưng trường hợp của bà Gái là cụ thể nhất vì đã gần như nắm chắc được các đối tượng mua bán cá do trộm cắp của bà và bà đã có đơn báo lên Công an phường Hải Cảng nhưng chẳng hiểu sao không thấy có sự điều tra làm sáng tỏ”.
Và có lẽ vậy mà gần 80 hộ nuôi cá ở khu vực Hải Minh Trong hiện nay vẫn tiếp tục sống trong sự thấp thỏm, âu lo không biết cá nuôi trong lồng bè của mình sẽ bị kẻ gian lén lút kéo vớt đi bán trộm lúc nào.
KIM QUANG