Nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng
Thời gian gần đây, ngành chức năng tại tỉnh ta liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, sản xuất các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc như thực phẩm, thuốc lá, pháo… Thực trạng này khiến dư luận và người tiêu dùng lo lắng.
Hàng hóa được làm giả, làm nhái đủ các loại, từ phổ thông cho đến cao cấp; từ hàng tiêu dùng cho đến tư liệu sản xuất, không phân biệt giá trị lớn- nhỏ, công nghệ thấp - cao. Nguy hại hơn, nó được bày bán tràn lan ở khắp mọi nơi, vùng nông thôn cũng có mà thành thị cũng chẳng thiếu. Hệ lụy dễ thấy là sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; uy tín của cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính bị sụt giảm. Do đâu mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có “đất sống” như vậy?
Theo tôi, một là, do sự bất cập trong cơ chế quản lý và chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe đối tượng vi phạm. Theo quy định của pháp luật, để có cơ sở kết luận là hàng giả thì bắt buộc phải có giám định từ ngành chức năng và tốn phí thực hiện giám định. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại vì thương hiệu, nhãn hiệu bị làm giả nên khi cơ quan chức năng mời để xác nhận là hàng không đạt chuẩn, kém chất lượng thì lại từ chối.
Hai là, do sự tiếp tay của người tiêu dùng. Bên cạnh một số người mua nhầm hàng giả do không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng bị làm nhái thì có không ít người tiêu dùng vẫn chấp nhận sử dụng, tiêu thụ loại sản phẩm bị làm giả. Đơn giản chỉ vì nó “hợp túi tiền”, giá cả rẻ hơn so với hàng cùng loại được ngành chức năng kiểm tra, cấp phép.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ngành chức năng cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Hơn nữa, người tiêu thụ sản phẩm hãy là “người tiêu dùng thông thái”.
THIỆN NHÂN