Cho đi để trưởng thành hơn
Quyết định tham gia CLB, đội, nhóm tình nguyện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều bạn trẻ đã có những trải nghiệm đáng nhớ. Tại đây, các bạn được tiếp thêm động lực vượt ra khỏi “vùng an toàn”, cùng những người bạn mới mạnh dạn tổ chức, tham gia những hoạt động chưa từng thử sức trước đó.
Thay đổi tích cực
Khác với những CLB học thuật hay năng khiếu, CLB thiện nguyện đòi hỏi ở các thành viên tinh thần tự nguyện, sẵn sàng lăn xả và không ngại khó, ngại khổ. Do vậy, khi tham gia, các bạn trẻ sẽ học được nhiều điều và thay đổi theo hướng tích cực.
Trương Thị Mỹ Sen (bìa phải) tặng quà cho người dân tại chương trình Xuân nhân ái - Tết sẻ chia năm 2024. Ảnh: CLB 25
Tham gia CLB tình nguyện Những người bạn (thuộc Hội Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) từ năm thứ nhất, đến nay, khi bước vào năm thứ tư, Trần Văn Tuấn (SN 2003, quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; sinh viên lớp Sư phạm Vật lý K44) nhận thấy bản thân đã tiến bộ hơn trước.
Tuấn chia sẻ, khi bước chân vào giảng đường, bạn không chỉ hướng đến tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi mà còn mong muốn khắc phục những khuyết điểm như sự rụt rè, ngại người lạ. Hơn nữa, vì yêu thích các hoạt động thiện nguyện từ trước, Tuấn đã tìm hiểu và quyết định tham gia CLB. Từ một người nhút nhát, Tuấn tập nói để có thể tự tin đứng trước đám đông, làm quản trò, MC và biết thêm kỹ năng tạo lập văn bản, xây dựng kế hoạch chi tiết cho một chương trình… “Nhờ đó, tôi được các thành viên tin tưởng giao vai trò Chủ nhiệm CLB, tiếp tục giúp đỡ các thành viên mới”, Tuấn chia sẻ.
Không chỉ sinh viên, một số học sinh cũng tham gia các CLB nói trên từ sớm. Phạm Thành Tiến Đạt (SN 2007, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Xuân Diệu, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) là trường hợp như vậy.
Tham gia Đội Thanh niên xung kích đảm bảo ANTT - PCCC&CNCH của xã Phước Lộc từ hè năm ngoái, Đạt làm quen với việc hỗ trợ lực lượng chức năng điều tiết giao thông, giữ gìn trật tự tại các chương trình do chính quyền xã tổ chức, giúp người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 vào cuối tuần hay cùng các thành viên trong đội hỗ trợ các trường hợp chẳng may gặp tai nạn…
Đạt tâm sự: “Thay vì hay rong chơi như trước, từ khi tham gia đội, em học cách làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, biết thêm kỹ năng sơ cấp cứu và điều chỉnh cách ăn nói sao cho thật điềm đạm, lễ phép. Hơn nữa, các anh lớn trong đội luôn tạo điều kiện để em linh động thời gian tham gia, không ảnh hưởng đến việc học. Gia đình cũng nhận thấy sự tiến bộ của bản thân em nên rất ủng hộ em tham gia đội”.
Trải nghiệm đáng nhớ
Không chỉ hoàn thiện kỹ năng mềm, các bạn trẻ còn lưu lại những kỷ niệm đẹp. Một mình đến TP Quy Nhơn học tập, sinh sống vì muốn tự lập, từ tâm lý sợ người lạ, Trần Văn Tuấn hiểu rằng kết bạn tại môi trường mới là hết sức cần thiết. Thật may, nhờ CLB, Tuấn không chỉ có thêm nhiều bạn mới mà còn có những người cùng chí hướng, muốn góp sức trẻ thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.
Suốt nhiều năm qua, Tuấn cùng các thành viên tổ chức những chuyến đi Mùa hè xanh đến các xã miền núi, vùng sâu vùng xa; những hoạt động gây quỹ để tặng quà dịp lễ, Tết… Qua mỗi chuyến đi, tình bạn thêm khắng khít, kỷ niệm cũng nhiều lên từng ngày.
“Trong chuyến Mùa hè xanh năm nay tại xã Canh Thuận (huyện Vân Canh), lần đầu tiên, tôi cùng CLB quyết định “thử sức” bản thân, lồng ghép nhiều hoạt động trong một chương trình lớn. Chúng tôi cùng bà con địa phương dọn vệ sinh môi trường; tổ chức các trò chơi tập thể, gian hàng ẩm thực cho trẻ; trang trí lớp học, tặng kệ sách cho trường tiểu học của xã; tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn… Tuy khá mệt nhưng tôi rất vui vì có kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời sinh viên của mình”, Tuấn thổ lộ.
Tương tự, Trương Thị Mỹ Sen (SN 2003, sinh viên lớp Giáo dục mầm non K44A, Trường ĐH Quy Nhơn) cũng thấy mình “lớn hơn qua mỗi chuyến đi” khi tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Là thành viên CLB 25 (thuộc Hội CTĐ tỉnh) từ năm 2023, Sen luôn mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, cô bạn cảm thấy hạnh phúc khi dành quãng thời gian rảnh của mình để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.
Sen “bật mí”: Càng đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi càng lạc quan và biết cho đi nhiều hơn. Tôi nhớ mãi chương trình Xuân nhân ái - Tết sẻ chia tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) vào tháng 1.2024. Đây là lần đầu tiên, tôi đến một huyện miền núi của tỉnh và được tận tay gửi quà cho người dân. Ngoài ra, tôi còn được nếm thử rượu cần - một đặc sản địa phương. Với tôi, những “lần đầu tiên” này là vô giá”.
DƯƠNG LINH