Tươi ngon sản vật đầm Thị Nại
Thị Nại là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định, trải dài từ TP Quy Nhơn sang huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát với diện tích hơn 5.000 ha. Do vị trí chuyển tiếp giữa môi trường biển với đất liền, hệ sinh thái đầm Thị Nại có tính đa dạng sinh học rất cao, với các loài thủy sản như tôm sú, hàu, cá dìa, cua, cá mú, sò huyết, hàu… Sự phong phú về sản vật ở vùng nước này đã góp phần tạo nên những món ăn ngon, dân dã, mang đậm hương vị quê hương Bình Định.
Món miến xào cua nổi tiếng ở các quán ăn tại xóm Cồn Chim.
Theo chân anh Ngô Văn Phương, 36 tuổi, ở xóm Cồn Chim, xã Phước Sơn (Tuy Phước) đi kéo lưới ở ven bờ đầm Thị Nại, chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi có tôm sú, tôm bạc, cua gạch, cua lột, cá liệt, cá thờn bơn, lươn… Anh Phương còn hướng dẫn chúng tôi đi đào con dộp dưới bùn khi nước rút. Hơn 1 giờ “làm ngư dân”, chúng tôi có khá nhiều cá, tôm, cua để nấu các món ngon theo sở thích. Với những nguyên liệu tươi sống này, mấy chị em quyết định lên thực đơn: Tôm sú ăn sống với mù tạt, lẩu cua, cá các loại kho dẻo, dộp nướng mỡ hành, lươn um chuối chát. Với trình độ nấu ăn của các chị ở xóm Cồn Chim, các món nhanh chóng hoàn thành với khẩu vị của người ở xứ đầm, hương vị đậm đà.
Món cá mú ăn sống với mù tạt. Ảnh: HẢI YẾN
Chị Ngô Thị Nhi, 37 tuổi, ở xóm Cồn Chim, có thâm niên 8 năm đứng bếp chính các quán ăn ở xã Phước Sơn, hiện đang làm tại quán Bè sinh thái Cồn Chim, cho hay, một số món ngon nức tiếng ở đầm là cá dìa, cua gạch, cá mú, hàu sữa thường để đón khách quý hay dành tặng khách phương xa. Một con cá mú tươi bắt ở bờ có thể chế biến được nhiều món như: Thịt cá phi lê ăn sashimi, da, vây, xương và đuôi chiên giòn chấm mắm me, đầu cá nấu cháo… Còn cua gạch nổi tiếng thơm, ngọt, béo ngậy thì làm lẩu là “số dzách”…
Món sashimi tôm sú đầm Thị Nại.
Khi được hỏi có bí quyết nào chế biến món ăn ngon từ nguyên liệu ở đầm Thị Nại, chị Nhi vừa cười vừa kể: “Các loại hải sản nuôi ở đầm rất phong phú và thả nuôi theo cách tự nhiên nên chất lượng khá cao. Đa phần các quán mua nguyên liệu từ người thả lưới trong ngày, thậm chí mới kéo lên rồi chế biến ngay nên độ tươi ngon khó có nơi nào sánh bằng. Người đầu bếp chỉ nấu đủ vị, đúng cách dân dã là đủ làm thực khách mê đắm rồi”.
Du khách đi kéo lưới ở Cồn Chim.
Dong thuyền trên đầm Thị Nại, du khách không chỉ được thả lỏng, thư thái trong không gian yên bình của rừng mắm, rừng bần xanh mướt tuyệt đẹp của đầm Thị Nại, mà còn thích thú khi trải nghiệm tự tay đánh bắt thủy sản và thưởng thức các món ngon do chính mình bắt được. Tuy nhiên, thời gian tham quan, đánh bắt phụ thuộc vào con nước. Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, 50 tuổi, ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), cho biết: Tôi may mắn đi đúng thời điểm con nước lên vào 17 giờ. Trước đó, tôi trải nghiệm đào con dộp tại các rặng đước, ngắm cảnh hoàng hôn rất đẹp, rồi kéo lưới với đủ loại cua, tôm, cá… Sau đó, tôi chèo SUP đi dạo và về thưởng thức các món ăn. Cảm giác thật thích vì được thưởng thức món ăn tươi ngon do chính mình bắt được. Dù món nào cũng ngon nhưng ấn tượng nhất với tôi là nồi cá kho gồm nhiều loại cá rất tuyệt. Tôi rất muốn tìm bí quyết nấu món này mà các chị em chỉ cười chia sẻ: Món ngon nhờ công lao động và cá tươi vừa bắt lên chế biến ngay.
Nồi cá kho thập cẩm từ nguyên liệu khách kéo lưới được ở xóm Cồn Chim.
Còn bà Hồ Thị Kim Châu, 67 tuổi, du khách ở TP Hồ Chí Minh, nhận xét: Tôi đi du lịch ở nhiều nơi trong và ngoài nước, đến đây được cô cháu gái ở Quy Nhơn dẫn đi Cồn Chim để ăn hải sản, tôi thấy lạ vì sự kỳ công này. Nhưng khi đi một vòng tham quan đầm Thị Nại, thưởng thức món cá mú mù tạt, tôm sú hấp, lẩu cua, tôi đã phải ồ lên ngạc nhiên vì độ ngon, tươi ngọt của nguyên liệu. Các món ăn được nêm nếm gia vị chế biến rất vừa miệng, có hơi cay xíu nhưng không nghe mùi tanh của cá, tôm, cua. Tôi mong là những địa điểm đẹp, có món ngon như ở đầm Thị Nại nên được quảng bá rộng rãi hơn, để nhiều người biết đến hơn.
BÙI NGHĨA