Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hoài Thanh Tây: Góp phần tăng thu nhập cho nông dân
Được sự hỗ trợ của Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện và Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh, nông dân xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn đã thực hiện thành công một số mô hình phát triển kinh tế, như mô hình trồng tiêu, trồng dừa xiêm xanh trên đất gò đồi, đầu tư thâm canh phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa... giúp bà con nâng cao thu nhập.
Đầu năm 2013, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật Hoài Nhơn triển khai thực hiện mô hình đầu tư thâm canh phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa tại 4 thôn: Ngọc An Đông, Ngọc An Tây, Ngọc An Trung, Bình Phú. Mô hình do Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh hỗ trợ kinh phí, có 25 hộ nông dân tham gia. Ông Nguyễn Kiếp, ở thôn Ngọc An Trung, tham gia mô hình, cho biết: “Những năm trước, các vườn dừa ở địa phương đều bị bọ cánh cứng phá hại, vô phương cứu chữa. Sau 3 tháng vệ sinh vườn dừa, bón phân cân đối, dùng phấn diệt côn trùng và thuốc đặc trị Permethrin diệt trừ bọ cánh cứng, những vườn dừa trong mô hình dần xanh tốt trở lại, lượng dừa quả thu hoạch cũng dần tăng lên đáng kể, từ dưới 30 quả/cây/năm lên trên 80 quả/cây/năm, giúp cho người trồng dừa có thu nhập bình quân 350 ngàn đồng/cây/năm.
Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn xã còn có trên 20 hộ trồng dừa xiêm xanh, quy mô từ 30 cây đến 100 cây/hộ. Nhờ chọn giống tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật nên hầu hết các vườn dừa xiêm phát triển khá tốt, nhất là không bị bọ cánh cứng gây hại. Anh Nguyễn Đạo - ở thôn Ngọc Sơn Bắc, nơi có 10 hộ trồng dừa xiêm xanh - cho biết: “Thấy bà con trong xã trồng dừa xiêm có thu nhập khá, thời gian sinh trưởng của dừa xiêm lại rất nhanh (từ 3-4 năm cho trái) nên tôi chuyển 3.000m2 đất trồng thuốc lá sang trồng dừa xiêm. Tuy mới trồng hơn 3 năm, nhưng vườn dừa xiêm 40 cây của tôi đã bắt đầu cho trái, hứa hẹn cho thu nhập khá hơn so với trồng thuốc lá.
Mô hình trồng tiêu ở xã Hoài Thanh Tây vài năm gần đây cũng phát triển khá mạnh, hiện có hơn 100 hộ trồng tiêu với tổng diện tích trên 25 ha, mỗi hộ trồng từ 50 đến 600 trụ tiêu, phần lớn tập trung trên vùng gò đồi ở thôn Ngọc Sơn Bắc, Ngọc Sơn Nam và Ngọc An Tây. Đến nay có khoảng 60% diện tích tiêu cho thu hoạch, giúp hàng chục hộ có mức thu nhập hàng năm từ 50 đến 120 triệu đồng.
Không còn “độc canh” cây lúa, nhiều nông hộ trên địa bàn xã đã biết chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn để tăng thu nhập. Điển hình là gia đình chị Phùng Thị Chinh, ở thôn Ngọc An Đông. Chị cho biết, trước đây chỉ chuyên canh cây lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Được tham dự các lớp trồng rau sạch do xã tổ chức, chị mạnh dạn chuyển đổi 300 m2 đất lúa sang trồng các loại rau xanh, ớt... Nhờ đó mà gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, an tâm nuôi con cái ăn học.
Ông Trần Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh Tây, cho biết: “Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, hàng năm xã đều lập kế hoạch định hướng việc phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây, con giống có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Bằng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể”.
BẢO SƯƠNG-THÁI NGÂN