Canh Hòa vượt khó đi lên
Là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Vân Canh, trước đây toàn bộ người dân trong xã Canh Hòa đều nằm trong diện hộ nghèo. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ các Chương trình 135, 134, 30a..., đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã đã được kéo giảm xuống, đời sống nhân dân và bộ mặt buôn làng đã từng bước khởi sắc.
Là xã miền núi, 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác còn lạc hậu, sống chủ yếu dựa vào “lộc rừng”, chưa có ý thức cao trong việc phát triển kinh tế nên đời sống của người dân Canh Hòa còn nhiều khó khăn. Từ khi Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, xã đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, triển khai xuống tận các buôn làng, giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định.
Nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ nhiều nguồn vốn, địa phương đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch... Hiện các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã đã được đúc bê tông hóa gần 80%, trạm y tế, trường mẫu giáo được xây dựng khang trang...
Canh Hòa có diện tích đất rừng lớn nên việc phát triển kinh tế rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được chính quyền xã quan tâm đặc biệt. Xã khuyến khích người dân nhận đất trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ, đồng thời khai thác các lâm sản phụ từ rừng đúng quy trình được hướng dẫn, không làm ảnh hưởng đến rừng. Nguồn lợi từ rừng đã giúp bà con có nguồn thu nhập nên bảo vệ rừng là nhiệm vụ không chỉ của chính quyền mà của toàn thể nhân dân.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, bà con đã gieo trồng tổng cộng 382,7 ha, trong đó có 20 ha lúa, 287,7 ha mì, 70 ha mía... Xã đã chỉ đạo và hướng dẫn bà con thực hiện dựng các mô hình kinh tế vườn nhà, vườn đồi, trồng chuối, đu đủ, dứa để tăng thu nhập. Chăn nuôi ở Canh Hòa cũng khá phát triển, tổng đàn bò 1.220 con, trong đó bò lai chiếm tỉ̉ lệ 36,47%; đàn heo 875 con...
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, cho biết: Bà con trong xã lâu nay chỉ làm nông và làm rừng, không có công việc để làm trong thời gian nông nhàn, nên đời sống rất khó khăn. Để tạo việc làm và thu nhập cho người dân, xã đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, ở những lĩnh vực phù hợp, và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giới hạn cho phép về cơ chế, chính sách, về mặt bằng để nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hiện đã có 1 doanh nghiệp đầu tư, đang san lấp mặt bằng và xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Về Canh Hòa thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đàn bò mập mạp được chăn thả bên những cánh rừng nguyên liệu giấy bạt ngàn; đường bê tông đã được nối dài đến tận các buôn làng, không còn cảnh bùn đất lầy lội như xưa. Người dân đã chú trọng hơn trong việc phát triển kinh tế, trong bữa cơm chiều họ bàn chuyện làm ăn, bàn chuyện cho con cái đi học và toan tính cho những dự định mới. Đó là những tín hiệu vui, báo hiệu về một tương lai phát triển của xã miền núi này.
LÊ PHƯƠNG