Hệ giáo dục thường xuyên: Thiếu nhân lực lẫn cơ sở vật chất!
Hiện nay, một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gặp khó khăn về cơ sở vật chất, cùng với đó là thiếu giáo viên, vì vậy, phải mượn các trường THPT trên địa bàn để bố trí giảng dạy cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên. Ðó là thực trạng được nêu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua.
Học nhờ, giảng… tạm
Toàn tỉnh có 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TT GDNN - GDTX), tuy vậy, có 3 địa phương gồm: TX Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, Phù Cát vẫn phải bố trí học sinh “học tạm” tại các cơ sở trường THPT trên địa bàn. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do, song chủ yếu là vì các địa phương gặp khó khăn trong việc tập hợp học sinh về một điểm trường.
Học sinh hệ GDTX thuộc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TX Hoài Nhơn tại một buổi học trên lớp. Ảnh: TTCC
Nói về điều này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc TT GDNN - GDTX TX Hoài Nhơn, chia sẻ: Năm học 2023 - 2024, trung tâm có hơn 700 học sinh thuộc 3 khối lớp. Tính đến tháng 7.2024, trung tâm có 31 cán bộ, viên chức, người lao động, nhưng chỉ có 17 giáo viên biên chế, phải thỉnh giảng 66 giáo viên thuộc các trường THPT hỗ trợ giảng dạy hệ GDTX. Trung tâm đã nhiều lần đề xuất cho tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu giảng dạy nhưng chưa giải quyết được. Trong năm học tới, trung tâm tiếp tục đề xuất tuyển dụng 31 biên chế.
Mặt khác, trang thiết bị tối thiểu phục vụ giảng dạy chương trình phổ thông 2018 cho các khối lớp 10, 11 năm học 2023 - 2024 và khối lớp 12 cho năm học 2024 - 2025 theo Thông tư 39/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đến nay chưa được đầu tư mua sắm đủ, để đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy. Giải pháp tình thế hiện nay của trung tâm là bố trí học sinh học tại các trường THPT. Theo đó, 3 địa phương kể trên bố trí hơn 250 học sinh học tạm tại các trường: THPT Phan Bội Châu, THPT Tam Quan, THPT Nguyễn Du và THPT Lý Tự Trọng.
Ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho hay, việc TT GDNN - GDTX phải mượn các trường THPT để tổ chức giảng dạy văn hóa cho học sinh hệ GDTX tạo sự không đồng nhất về môi trường học tập, khiến học sinh mặc cảm, khó đem lại kết quả tích cực. Cùng với đó, TT GDNN - GDTX cũng không có đủ giáo viên cơ hữu, phải thỉnh giảng giáo viên tại các trường THPT hỗ trợ giảng dạy. Vì vậy, các sở, ban, ngành cần có quan tâm, giải quyết các khó khăn về nguồn lực giáo viên để hỗ trợ cho công tác giảng dạy tại các trung tâm. Hoặc có sự tách biệt rõ ràng giữa GDNN và GDTX, nếu cần thiết.
Chưa có giải pháp căn cơ
Huyện Phù Mỹ có 2 cơ sở phục vụ nhu cầu giảng dạy cho học sinh hệ GDTX, nhưng lại ở khá xa trung tâm. Không thuận lợi để tổ chức giảng dạy tại một điểm chính, trung tâm mượn cơ sở tại 3 điểm trường: THPT An Lương (168 học sinh), THPT Mỹ Thọ (103 học sinh) và THPT số 2 Phù Mỹ (134 học sinh), tạo điều kiện cho các học sinh ở xa.
Ông Đỗ Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phù Mỹ, bày tỏ, việc mượn cơ sở để giảng dạy dù tạo được thuận lợi cho học sinh trong việc di chuyển, nhưng chính điều này lại gây bất tiện trong công tác quản lý học sinh, trường lớp, dù các trường THPT tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ. Bên cạnh đó, đến nay, việc tuyển dụng giáo viên dạy hệ GDTX vẫn còn khó khăn, đa phần phải thuê theo hợp đồng.
Tương tự, năm học 2024 - 2025 này, TT GDNN - GDTX huyện Phù Cát có hơn 800 học sinh thuộc 3 khối lớp 10, 11 và 12, trong đó hơn 500 học sinh sẽ “học nhờ” tại Trường THPT số 3 Phù Cát, 1 điểm trưng dụng thuộc phòng GD&ĐT và Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng - Nông lâm Trung bộ. Đến nay, trung tâm chỉ có 15 giáo viên hỗ trợ giảng dạy, còn lại thỉnh giảng từ các trường THPT theo hình thức hợp đồng nên việc “học nhờ” có lẽ sẽ còn kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc trung tâm, lý giải: Nhiều học sinh chưa đủ tuổi được điều khiển xe máy theo quy định, nếu học tập trung sẽ gặp khó khăn trong di chuyển, có thể nghỉ học hoặc chuyển sang môi trường khác, kéo giảm số lượng học sinh, gây áp lực cho trung tâm.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết, trước tiên, các trường THPT và TT GDNN - GDTX cần tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để học sinh được đáp ứng cơ sở vật chất, điều kiện học tập trong năm học mới. Hiện nay, sau công tác phân luồng, số lượng học sinh chọn học nghề khá ít, số lượng hệ GDTX tăng cao, do nhiều phụ huynh mong muốn con tiếp tục theo học văn hóa. Vì vậy, có sự chênh lệch số lượng giữa hệ GDTX và GDNN, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên dạy hệ GDTX. Việc tách hệ GDNN và GDTX sẽ rất khó thực hiện, vì các trung tâm đều là cơ sở cũ thuộc trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp dạy nghề phổ thông của ngành GD&ĐT.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ phối với Sở LĐ-TB&XH trong công tác phân luồng, phối hợp với các đơn vị liên quan, tạo điều kiện hỗ trợ tuyển dụng giáo viên cho các trung tâm. Một giải pháp khác được đưa ra là Sở LĐ-TB&XH quan tâm nhiều hơn để nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp thực tiễn để thu hút thêm học viên thời gian tới.
HỒ THỊ ÐIỂM