Đường Thái Lan đi qua Lào về Việt Nam, Tổng cục Hải quan chỉ đạo ngăn chặn
Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan một số địa phương tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đường mía từ Lào
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đường mía.
Trước đó, cơ quan này nhận được thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam về rủi ro gian lận thương mại liên quan đến vận chuyển đường mía từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam phản ánh việc đường Thái Lan có thể xuất khẩu vào Lào theo phương thức tạm nhập tái xuất để vận chuyển đến các khu vực gần biên giới giữa Việt Nam với Lào rồi sau đó vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đường mía từ Lào (Ảnh minh họa)
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương trên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện qua lại khu vực biên giới đường bộ, đường sông, khu vực cảng biển thuộc địa bàn kiểm soát hải quan.
Tổng cục Hải quan đặc biệt lưu ý các khu vực gần cửa khẩu Lao Bảo, khu vực sông Sê Pôn (Quảng Trị), các kho tập kết hàng hóa thuộc thị trấn Lao Bảo, các kho trung chuyển từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị) và các khu vực lân cận để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi, buôn lậu, vận chuyển trái phép đường mía qua biên giới.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cơ quan hải quan tăng cường tuyên truyền tới người dân và doanh nghiệp không tiếp tay hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu mía đường không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Bên cạnh đó, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cư dân biên giới, cá nhân, tổ chức về việc vi phạm pháp luật của việc buôn lậu, vận chuyển trái phép đường mía qua biên giới.
(Theo NLĐ)