Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố nâng cấp quan hệ Trung Quốc - châu Phi
Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tại Bắc Kinh ngày 5.9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố nâng cấp quan hệ với châu Phi, đồng thời công bố 10 hành động hợp tác giữa hai bên trong 3 năm tới.
Tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh FOCAC năm 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá, Trung Quốc và châu Phi đã tạo nên “hình mẫu cho quan hệ quốc tế kiểu mới”. Sau gần 70 năm phát triển, “quan hệ Trung Quốc - châu Phi đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử”.
Ông đề nghị “nâng cấp quan hệ song phương giữa Trung Quốc với tất cả các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao lên quan hệ chiến lược” và nâng tầm quan hệ Trung Quốc-châu Phi lên Cộng đồng Trung Quốc-châu Phi chia sẻ tương lai trong mọi điều kiện trong thời đại mới.
Ông nhấn mạnh, Trung Quốc và châu Phi chiếm 1/3 tổng dân số thế giới. Nếu không có sự hiện đại hóa của Trung Quốc và châu Phi, sẽ không có hiện đại hóa của thế giới. Ông tuyên bố, trong 3 năm tới, Trung Quốc sẽ cùng châu Phi thực hiện 10 hành động hợp tác nhằm thúc đẩy hiện đại hóa giữa hai bên, đưa hợp tác Trung Quốc-châu Phi đi vào chiều sâu và dẫn đầu trong quá trình hiện đại hóa của “Miền Nam toàn cầu” (Global South).
Các đại biểu châu Phi tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh FOCAC năm 2024. Ảnh: Tân Hoa xã
10 hành động này liên quan đến các lĩnh vực, gồm học hỏi giữa các nền văn minh, thịnh vượng thương mại, hợp tác chuỗi công nghiệp, kết nối, hợp tác phát triển, y tế, nông nghiệp và sinh kế, giao lưu nhân dân, phát triển xanh và an ninh chung.
Theo đó, Trung Quốc sẽ áp dụng ưu đãi thuế quan bằng 0 đối với tất cả các nước kém phát triển có quan hệ ngoại giao, trong đó có 33 quốc gia châu Phi; thực hiện 30 dự án kết nối cơ sở hạ tầng ở châu lục này, nhằm thúc đẩy hợp tác "Vành đai và Con đường" chất lượng cao; triển khai 1.000 dự án sinh kế “nhỏ mà đẹp”; khởi động 30 dự án năng lượng sạch ở châu Phi, cùng nhiều khoản viện trợ và hỗ trợ về nông nghiệp, y tế và dạy nghề...
Riêng về hợp tác an ninh, Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp cho châu Phi khoản tài trợ quân sự trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 141 triệu USD), đào tạo cho châu lục này 6.000 quân nhân, 1.000 cảnh sát và nhân viên thực thi pháp luật. Hai bên cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận, huấn luyện và tuần tra chung.
Để thực hiện 10 hành động hợp tác này, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính 360 tỷ nhân dân tệ (hơn 50,7 tỷ USD) trong 3 năm tới.
Sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi đã chủ trì 4 cuộc họp cấp cao về các chủ đề “quản trị và điều hành đất nước”, “công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp”, “hòa bình và an ninh” và “chung tay xây dựng Vành đai và Con đường chất lượng cao”.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi sau 6 năm kể từ năm 2018. Đây cũng là sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức kể từ sau đại dịch, với sự tham dự đông đảo nhất của các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Theo nước chủ nhà Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ thông qua hai văn kiện kết quả gồm “Tuyên bố” của hội nghị và “Kế hoạch hành động”. Trong đó, “Tuyên bố” sẽ tập trung vào các đồng thuận giữa Trung Quốc và châu Phi trong các vấn đề lớn như chung tay thúc đẩy hiện đại hóa và xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-châu Phi trình độ cao, thể hiện quyết tâm và niềm tin của cả hai bên trong việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quản trị toàn cầu, hòa bình an ninh và hợp tác kinh tế - thương mại. Kế hoạch hành động sẽ vạch ra lộ trình hợp tác chất lượng cao giữa Trung Quốc và châu Phi trong 3 năm tới, cũng như phương hướng để hai bên hợp tác sâu sắc hơn trong tương lai.
Theo Bích Thuận (VOV)