Người Bình Định ở đảo Lý Sơn
Ngày 1.1.1993, huyện Lý Sơn được thành lập. Hai mươi năm sau, đảo đã lên xanh, với những con đường bê tông thẳng tắp, nhà cửa khang trang chen nhau mọc lên. Trong những bàn tay dựng xây nên hình hài của đảo thiêng hôm nay, có một phần công sức của những người Bình Định gắn bó đời mình với đảo.
Anh Nguyễn Văn Long (thứ 2 từ phải sang) cùng tốp thợ thi công đường ở trung tâm huyện Lý Sơn.
Bám đảo
Sau ngày đất nước thống nhất cho đến trước năm 1989, khi hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi còn chung tên - Nghĩa Bình, nhiều giáo viên ở Quy Nhơn được điều động ra Lý Sơn dạy học. Một trong những giáo viên đầu tiên ra đảo là ông Nguyễn Văn Đức, giáo viên Toán - Lý. “Năm 1976 tôi được điều ra Lý Sơn. Sau vài năm dạy học ở đây, các anh em lần lượt vào bờ, riêng tôi vì mến một cô giáo hát hay nết đẹp mà quyết tâm ở lại”, ông Đức vui vẻ kể. Cô giáo “hát hay nết đẹp” của ông giờ đã lên chức bà.
Người Bình Định ra đảo nhiều nhưng số neo lại Lý Sơn khá ít. “Đất cũ đãi người mới”, họ cũng được đáp lại bằng sự trân trọng của người dân bản xứ. Từ tâm thế “ăn nhờ ở đậu”, dần dần dân xứ Nẫu vững vàng trên quê hương mới.
Sau thời gian dài gắn bó với bảng đen phấn trắng, năm 1994, ông Đức được giao nhiệm vụ Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Lý Sơn. Đến năm 2010, ông được điều động qua Huyện ủy, giữ chức vụ Chánh Văn phòng. Từ những ngày đầu gắn bó với đảo, ông Đức vẫn thường xuyên gặp gỡ thân mật với đồng hương, hầu hết làm nghề thợ mộc, thợ hồ. Nhiều người trong số họ cũng đến với Lý Sơn từ khá sớm.
Năm 1985, anh Nguyễn Văn Long (quê ở Cát Tường, Phù Cát) nhập ngũ, đóng quân ở Lý Sơn. Sau khi xuất ngũ, anh quyết định ở lại, kiếm sống bằng nghề thợ hồ. 8 năm trụ lại đất đảo, anh mới lập gia đình, ổn định cuộc sống nơi đất khách. Thấy trên đảo ít người làm nghề mộc, anh gọi em trai kề là Nguyễn Văn Loan cùng ra, sau đó kéo tiếp một người em nữa ra đảo làm thợ hồ. “Vừa rồi, có đứa cháu mới xuất ngũ chưa có nghề ngỗng gì, tôi cũng đưa sang đây, tập tành cầm thước cầm bay. Có anh em, chú cháu, kiếm sống cũng đỡ vất vả hơn”, anh Long tâm sự.
Trong khi cánh thợ hồ “tự bơi” ra Lý Sơn, thì những người thợ mộc Bình Định lại được các ông chủ trại mộc trên đảo vời ra. Anh Nguyễn Đình Giỏi, quê ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, kể lại: “Ban đầu, các chủ trại mộc ở Lý Sơn vào khu vực Phú Tài (TP Quy Nhơn) mua gỗ, thấy giá nhân công ở đây rẻ, tay nghề cao nên rước ra. Năm 1993, tôi cùng gần 20 anh em ra đây, chia nhau làm ở các trại. Thời ấy, phương tiện đi lại trên biển chỉ có ghe, chứ chưa có tàu cao tốc như bây giờ, mỗi lần ra đảo hay vào đất liền là một lần ám ảnh. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, đặc biệt là thiếu nước. Những khi trời động, nguồn thực phẩm cũng khan hiếm. Không chịu nổi, nhiều thợ đã bỏ đảo về quê”.
Khó khổ là vậy, nhưng anh Giỏi vẫn cưới vợ, quyết tâm lập nghiệp ở đây. Hơn 10 năm sống nhờ nhà vợ, gia đình anh mới ra riêng. Ban đầu, ngôi nhà nhỏ chỉ dựng bằng cót tre trống trước trống sau, rồi làm nhà gạch xỏ không tô. Đến năm 2011, anh chị đã có một căn nhà khang trang.
Trong xưởng mộc của anh Nguyễn Đình Giỏi.
“Đất cũ đãi người mới”
Gần 30 năm gắn bó với Lý Sơn, anh Long giờ đã là một nhà thầu, quản lý gần 20 thợ chính lẫn phụ. “Thời gian đầu, tôi phải về quê tuyển thợ có tay nghề cao. Ra đảo, những lúc không có công trình, vợ chồng tôi phải nuôi cơm hết. Giờ thì dùng thợ tại chỗ, đến mùa mưa, họ ở nhà, mình cũng đỡ phần vất vả”, anh chia sẻ.
Đi và gặp những người đồng hương ở xứ đảo, một điều dễ nhận thấy, bên cạnh đời sống kinh tế ổn định, họ đều rất chăm lo đến chuyện học hành của con cái. Ông Đức có 4 người con, tất cả đều học hành đàng hoàng, trong đó có một con gái đang dạy tiểu học ở Lý Sơn. Vợ chồng anh Long đều là lao động tay chân, nhà cửa chưa xây cất khang trang, bởi còn dồn sức nuôi con trai đang theo học Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và con gái đang học lớp 10. Anh Loan cũng có 2 con đang học lớp 9 và lớp 10.
Sau thời gian dài chỉ xây nhà lắp cửa, nhờ tạo dựng được uy tín, anh Long chuyển sang nhận thầu công xây dựng cho các công trình của Nhà nước. Anh làm cầu, làm đường, xây cả nhà máy nhiệt điện. Chẳng có bằng cấp gì, nhưng anh vẫn đọc và làm chính xác theo các bản thiết kế xây dựng. Thậm chí, anh còn phát hiện ra những điểm mâu thuẫn, vô lý trong bản vẽ để đề nghị điều chỉnh nhiều chi tiết cho phù hợp với thực tế. Đó là nguyên nhân chính khiến đơn đặt hàng của anh ngày càng dày lên.
Không như các chủ thầu xây dựng, hầu hết các trại mộc của người Bình Định hiện giờ vẫn cậy vào số thợ đồng hương. “Ở mình thợ kép nhiều, tỉ mẩn, cần cù. Đời sống kinh tế của người dân xứ tỏi này ngày càng phát triển, nhu cầu trang trí nội thất theo đó cũng cao hơn, nên những người có tay nghề giỏi rất được ưa chuộng”, anh Giỏi bộc bạch.
Khi mới ra đảo, những tay thợ lành nghề đều làm công cho chủ trại bản địa. Làm chừng 5 năm, những người đầu tiên tách ra, mở những trại mộc nho nhỏ, rồi cứ thế phất dần lên. Dù điều kiện làm nghề còn khó khăn, máy móc không nhiều, điện thì chỉ sử dụng được từ chiều tối đến sáng hôm sau, nhưng trại mộc của anh Giỏi vẫn từ từ tiến, hiện giờ có 3 thợ chính và 1 thợ phụ. Chỉ với nghề mộc, anh đã ổn định cuộc sống gia đình, làm nhà dựng cửa khang trang. Khi tôi tìm nhà anh, nhiều người trên đảo biết ngay: “Cứ tìm đến chợ An Vĩnh, ngay trước cổng chợ có nhà 2 tầng, bên phải có trại mộc đục gõ ngày đêm…”.
Bằng bàn tay, khối óc của mình, những người Bình Định đã và đang góp phần xây dựng đảo Lý Sơn thêm giàu đẹp. Đơn giản như anh Nguyễn Mộng Hùng, quê ở Tuy Phước, hiện ở thôn Đông, xã An Vĩnh, là người thợ sửa đồ điện tử đầu tiên ở Lý Sơn. Hay những người thợ mộc, thợ hồ đang từng ngày đổ mồ hôi ở những ngôi nhà, công trình mới. Có cả những người thầy tự nguyện “chở chữ” ra đảo. Và, không thể không nhắc đến những người lính vững tay súng giữ gìn biển đảo...
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức cùng các cháu.
Gắn kết
Hôm tạm biệt Lý Sơn, chị Bích, vợ anh Long tặng tôi bịch tỏi khô. Chị bảo, nhà không trồng tỏi, nhưng có đất cho người ta làm, mình chia phần trăm. Mỗi lần có bà con ra thăm nhà, hay anh chị về quê, đều lấy tỏi làm quà. Như thay cho tấm lòng thảo thơm của người xứ đảo. Ít có điều kiện về thăm quê, những người Bình Định ở Lý Sơn đều muốn được gặp mặt đồng hương. Lâu lâu, biết có người xứ Nẫu ra thăm chơi, làm việc trên đảo, gặp mặt ai cũng vui mừng.
Ông Lê Sơn, cán bộ của Huyện đội Lý Sơn là người khởi xướng, liên lạc với từng người để tổ chức gặp mặt đồng hương. Cuộc gặp mặt đầu tiên được tổ chức ở thắng cảnh chùa Hang, với sự có mặt đông đủ gia đình, con cháu của những người dân xứ Nẫu. “Đáng tiếc là, chỉ sau hai lần tổ chức, ông Sơn chuyển công tác vào đất liền, hoạt động này cũng không duy trì được nữa. Ai cũng bận bịu mưu sinh, ít có điều kiện gặp gỡ. Tôi tính, nay mai phải khôi phục lại hoạt động ý nghĩa này”, ông Đức tâm sự.
Ông Võ Văn Bạn, 51 tuổi, đã định cư ở thôn Tây, xã An Vĩnh từ năm 25 tuổi. Người thợ mộc lão làng gốc Nhơn Phong, An Nhơn này nhận định: “Nghề mộc ở Lý Sơn sẽ ngày càng khó phát triển, thị trường đã khoanh vùng mà số trại mộc vẫn có chiều hướng tăng lên. Trong hoàn cảnh đó, hoạt động gặp mặt đồng hương hằng năm sẽ là cơ hội tốt cho số anh em Bình Định ngồi lại với nhau, tìm tiếng nói chung để cùng nhau tháo gỡ khó khăn”.
Không chỉ ông Đức, ông Bạn, mà những người Bình Định ở Lý Sơn đều chung tâm nguyện sẽ khôi phục lại cuộc họp đồng hương trong một ngày gần nhất.
NGUYỄN VĂN TRANG