Trao sự tử tế, nhận niềm vui
Bún, bánh cuốn rồi bánh mì “treo” dần xuất hiện ở TP Quy Nhơn, không ít người lạ lẫm với hình thức này. Thực tế, đây là hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng ngay tại quán ăn.
Những bữa ăn nghĩa tình
Đầu tháng 9, ông Nguyễn Văn Kho, 56 tuổi, phường Đống Đa đi bán vé số ngang tiệm bánh mì cá (số 11 Hà Huy Tập) mà ngại ngùng, đứng nhìn. Chị Nguyễn Thị Yên Chi, 28 tuổi, chủ tiệm, đã kêu ông Kho lại nhận bánh mì miễn phí.
Ông Kho chia sẻ: Tôi nghe mọi người chỉ ở đây có bánh mì miễn phí. Nhiều lần đi qua, tôi chỉ thấy bảng ghi bánh mì “treo” có câu giải thích “gởi tặng mọi người có hoàn cảnh khó khăn, ai cần tới lấy, hoan hỉ” mà vẫn ngại. Mãi khi cô chủ gọi mới dám lại lấy. Bánh mì ở đây nóng hổi, ăn giòn, ngon lắm, mọi lần tôi lấy ở thùng từ thiện đều nguội hết.
Theo chị Chi, mỗi ngày 2 điểm bán bánh mì chả cá “treo” (ở 410A Nguyễn Thái Học và 11 Hà Huy Tập) tặng 20 ổ/điểm cho mọi người. Những người mua bánh mì hay có lòng hảo tâm ủng hộ thêm tầm 10 - 25 ổ nữa. Chị Chi chia sẻ: Dù tôi làm hình thức này hơn 1 tháng nhưng nhiều trường hợp còn chưa biết đến. Vậy nên khi thấy những người đạp xích lô, bán vé số đi qua tôi gọi giới thiệu, tặng bánh.
Chị Chi cho biết tình cờ thấy cách làm bún, phở “treo” ở các tỉnh, thành khác rất ý nghĩa nên phát tâm 40 ổ bánh mì/ngày và quảng bá qua mạng xã hội Tiktok, được nhiều bạn bè ủng hộ nhiệt tình.
Quán bánh cuốn, bún chả Hà Nội ở 125 Hai Bà Trưng là quán đầu tiên thực hiện hình thức “treo” ở TP Quy Nhơn. Ban đầu, quán gắn biển bún chả, bánh cuốn “treo” nhiều người dân tỏ ra lạ lẫm, thắc mắc. Sau nhiều lần được bà Đào Hương Giang, 60 tuổi, chủ quán chào mời và giải thích rõ ràng câu chuyện đằng sau tấm biển phở “treo” ai cũng hiểu và nhiệt tình ủng hộ. Theo bà Giang, ý tưởng bún chả, bánh cuốn “treo” không phải mới, vì đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành. Mỗi ngày quán của bà “treo” 5 - 10 phần cho người có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần đến nay khách hàng tới ăn ủng hộ thêm khoảng 5 - 10 phần nữa.
Bà Đào Hương Giang, chủ quán bún chả, bánh cuốn ở 125 Hai Bà Trưng, điền số lượng “treo” lên bảng cho người khó khăn đến ăn. Ảnh: HẢI YẾN
Sáng 6.9, bà Đào Thị Yến, 65 tuổi, ở khu phố 6, phường Lê Lợi, lao động làm nghề tự do, đến quán bánh cuốn, bún chả Hà Nội ăn và tâm sự: Cả đời tôi chưa dám ăn một phần bánh cuốn hoặc bún chả với giá 35.000 - 40.000 đồng/suất. Tôi đi ngang qua, được chủ quán đon đả mời vào ngồi ăn như bao thực khách khác. Món ăn nóng, ngon quá. Tôi xúc động, cảm ơn chủ quán đã làm việc ý nghĩa này dành cho những người khó khăn như chúng tôi.
Lan tỏa hành động ý nghĩa
Các chủ quán thực hiện hình thức “treo” kể trên đều có nhiều năm phát tâm làm từ thiện khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh. Khi mở quán bán hàng, họ mong muốn trích phần lợi nhuận ủng hộ người nghèo. Họ mong muốn các món ăn mình làm được đến tay các trường hợp khó khăn một cách ngon nhất, tương tự như những thực khách bình thường khác.
Theo bà Giang, khi nhận phần ủng hộ của khách, quán phải tính toán số lượng nhận -cho tương xứng. Hiện nay, các trường hợp khó khăn chưa biết nhiều đến cách làm này nên quán chỉ dám nhận 1 - 3 suất/khách đến cho; chủ quán mời khách tự tay viết lên suất ăn mình tặng. Những người khó khăn tới nhận, nhân viên mời vào quán và phục vụ như khách hàng. Quán phục vụ khách tới trưa và kinh nghiệm nhiều năm từ thiện, các trường hợp khó khăn sẽ gộp ăn sáng và trưa lại tiết kiệm nên quán có thể thêm bún, bánh cuốn cho họ ăn no bụng.
Lúc đầu, các trường hợp nhận suất ăn ít, sau buổi sáng, số phần “treo” còn lại bao nhiêu, chị Yên đem đi phát ở bệnh viện hoặc để vào thùng bánh mì từ thiện ở ngã tư đường Diên Hồng - Nguyễn Thái Học.
Đồng hành cùng hình thức này, chị Lê Thị Thanh Trà, ở khu phố 4, phường Ngô Mây, bày tỏ: Tôi thấy hình thức ủng hộ này khá phù hợp với nhiều đối tượng. Mỗi ngày, chúng tôi ăn sáng xong thì ủng hộ 1 phần “treo” như hành động nhỏ nhưng “góp gió thành bão”. Mỗi người làm một việc tốt, dù nhỏ cũng làm xã hội tốt lên, mình cũng thấy vui và nhẹ nhõm.
Những phong trào từ thiện, hình thức ủng hộ cho hoàn cảnh khó khăn của người dân Quy Nhơn như truyền thông điệp nhân ái là sự sẻ chia đầy tử tế trong thời buổi kinh tế còn khó khăn. Dịp lễ 2.9, anh Nguyễn Văn Nam, hướng dẫn viên du lịch ở TP Hồ Chí Minh khi về thăm nhà ở phường Quang Trung đã tìm đến ủng hộ các nơi có hình thức “treo”, anh còn xin thông tin của các quán để ủng hộ lâu dài.
Anh Nam tâm tình: Ở TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng tôi tự bỏ tiền túi mua thức ăn đi trao cho người có hoàn cảnh khó khăn. Khi về quê, tôi mừng vì nhận ra người Quy Nhơn cũng rất bao dung. Mọi nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ những việc làm, hành động giản dị với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tôi hy vọng, phố biển này có nhiều quán nhân lên hình thức “treo” giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, để họ vơi đi gánh nặng trong cuộc sống bằng điều đơn giản.
HẢI YẾN