Góp sức giữ màu xanh cho rừng An Toàn
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão) có diện tích hơn 25.197 ha, cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai) tạo thành liên khu bảo tồn Trung Trường Sơn, có hệ động, thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng. Những năm qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã tích cực triển khai tuần tra, tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng nơi đây.
Nhọc nhằn đời tuần rừng
Một ngày cuối tháng 7.2024, ngay từ tờ mờ sáng, tôi đến Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) thôn 1, xã An Toàn và được Trạm trưởng Lê Quang Thọ đón tiếp. Đúng thời điểm này, trạm và tổ cộng đồng QLBVR chuẩn bị đi tuần tra rừng. Đặt vấn đề xin được cùng theo chân đoàn đi tuần rừng, tôi được cán bộ trạm đồng ý.
Men theo con đường mòn đất lầy lội dẫn sâu vào rừng Bằng Sơn (thuộc khoảnh 6, tiểu khu 31), vừa đi anh Thọ vừa kể về những khó khăn, vất vả của việc tuần rừng; cùng sự phong phú, đa dạng về động, thực vật, chim muông trong rừng. Sau khoảng 4 giờ len lỏi gần 8 km, cả đoàn cũng đến điểm cuối cùng là khu vực cánh ruộng Bhoong. Từ đây, chúng tôi bắt gặp những gốc cây đa già, thông nàng, chò... xanh tốt, trải dài theo những vạt rừng rậm rạp.
Ngồi nghỉ dưới tán cây đa, anh Thọ chia sẻ, Trạm hiện có 6 cán bộ, chịu trách nhiệm quản lý hơn 8.000 ha rừng thuộc 9 tiểu khu, giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Gia Lai. Mỗi tháng, Trạm đều tổ chức 5 - 7 lần đi tuần tra bảo vệ rừng, có chuyến đi trong ngày, nhưng cũng có chuyến đi hơn 1 tuần. Mỗi lần đi có 6 cán bộ, thành viên tổ QLBVR và phải chuẩn bị đầy đủ tư trang, thức ăn, các vật dụng nấu ăn.
“Công việc tuần rừng vất vả lắm, nhất là vào mùa mưa, đường đi trơn trượt, lầy lội, dễ tai nạn hoặc lạc nhau giữa đường; khó khăn nhất là dựng lều, nhóm lửa để nấu cơm, đun nước uống. Có những lúc trời mưa to đến độ các anh em không thể dựng lều nên đành ngồi dưới tán cây rừng để che mưa, nhai mì tôm sống, uống nước suối cầm hơi, giữ sức ngày mai đi tiếp”, anh Thọ nói.
Tiếp lời, anh Võ Đình Nhiên, nhân viên Trạm QLBVR thôn 1, kể rằng tuần rừng không chỉ vất vả mà còn rất nguy hiểm, vì phải thường xuyên đối mặt với rắn rết, ong chích và ám ảnh nhất là vắt cắn. “Lần đầu tiên đi tuần rừng, trước khi xuất phát, tôi đã nai nịt kỹ càng rồi, bôi thuốc chống vắt khắp cơ thể, nhưng vừa tuần tra về và ra đến bìa rừng, kiểm tra trên người lại có hàng chục con vắt đang bám trên cơ thể, con nào cũng hút căng bụng máu. Tôi phải mất gần 50 phút ngồi kiểm tra và gỡ từng con ra”, anh Nhiên tâm sự.
Anh Thọ cho biết thêm: Mặc dù việc tuần rừng vất vả là thế, nhưng các cán bộ của Trạm luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thường xuyên phối hợp với cộng tác viên các tổ QLBVR tăng cường công tác tuần tra, canh gác, ngăn chặn các hoạt động khai thác, xâm lấn rừng; tuyên truyền người dân sinh sống, canh tác ven rừng tham gia bảo vệ rừng… Nhờ vậy, nhiều năm qua, địa bàn rừng quản lý của Trạm chưa để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép hay cháy rừng.
Cán bộ Trạm QLBVR và các thành viên Tổ QLBVR cộng đồng thôn 1 tuần tra bảo vệ rừng tại một khoảnh rừng có tục danh Bằng Sơn. Ảnh: D.Đ
Dựa vào dân để giữ rừng
Nhiều năm qua, những cánh rừng trên đại ngàn An Toàn luôn xanh tươi và yên bình. Có được điều này là nhờ sự góp sức đắc lực của cộng tác viên các tổ QLBVR và cộng đồng dân cư các thôn 1, 2 và 3 để cùng san sẻ gánh nặng giữ rừng. Đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã thực hiện giao khoán 7.013,5 ha rừng cho 264 hộ tham gia bảo vệ rừng.
Tại thôn 2, hiện có 95 hộ tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng với tổng diện tích 2.697 ha. Ban Quản lý thôn đã tổ chức họp dân và xây dựng quy ước về công tác QLBVR, PCCC rừng để người dân cùng thực hiện. Theo đó, người dân tuyệt đối không thực hiện các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép; không làm cháy rừng; không mua bán, trao đổi và vận chuyển lâm sản trái phép…
Ông Đinh Văn Chất, Trưởng Ban quản lý thôn 2, chia sẻ: “Bên cạnh thực hiện quy ước bảo vệ rừng, cộng đồng thôn còn chia ra thành nhiều tổ và phối hợp với Trạm QLBVR thôn đi tuần tra rừng hằng tuần. Nhờ tuần tra thường xuyên nên khi phát hiện người dân sử dụng lửa thiếu an toàn, chúng tôi kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn họ sử dụng lửa an toàn, không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, phá rừng trái phép”.
Còn anh Đinh Văn Kem, Tổ phó Tổ QLBVR thôn 1, cho hay Tổ của anh có 10 hộ gia đình nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 300 ha rừng. Mỗi tuần, các tổ viên đều sắp xếp công việc gia đình, nương rẫy, tham gia họp với Trạm QLBVR thôn, phân công tổ viên trực, tổ chức kiểm tra rừng. Đa số các tổ viên đều có ý thức và trách nhiệm cao với việc nhận khoán bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND xã An Toàn Nguyễn Văn Vân cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động, các hộ dân tại 3 thôn nhận khoán bảo vệ rừng đã nhận thức được vai trò, tác dụng của rừng đối với môi trường sống. Các hộ đều có ý thức rất tốt trong công tác QLBVR, không còn phá rừng làm nương rẫy, tham gia bảo vệ sự đa dạng sinh học. Đặc biệt, các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng còn được nhận thêm một khoản thu nhập ổn định từ 12 - 14 triệu đồng/người/năm, góp phần nâng cao được mức sống.
DUY ĐĂNG