Đằng sau những cuộc tập trận của Mỹ và Trung Quốc
Trong khi Mỹ tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, các nhà phân tích cho rằng hoạt động tập trận của Trung Quốc vẫn bị hạn chế bởi sự nghi ngại trong khu vực cũng như sự thiếu tương tác.
Từ ngày 26.8 - 6.9, Indonesia tổ chức cuộc tập trận thường niên Siêu lá chắn Garuda với Mỹ, Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada và Singapore, nhằm phô diễn sức mạnh liên minh. Trong khi đó, cuộc tập trận Falcon Strike (từ ngày 18.8 - 29.8) giữa Thái Lan và Trung Quốc cũng diễn ra ở quy mô nhỏ hơn, phản ánh một cách tiếp cận khác trong nỗ lực tìm kiếm ảnh hưởng khu vực của Bắc Kinh. Theo nhà nghiên cứu Yokie Rahmad Isjchwansyah (Trường ĐH Paramadina, ở Jakarta, Indonesia), việc Thái Lan tham gia cho thấy lập trường cẩn trọng của nước này đối với Mỹ, nhất là sau khi Washington từ chối bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hồi năm ngoái.
Trong khi Washington thường thực hiện các cuộc tập trận quân sự đa phương, như diễn tập hải quân Malabar với Ấn Độ và Nhật Bản, thì Bắc Kinh chỉ tập trung xây dựng đối tác song phương, như diễn tập với Lào, Campuchia hay Singapore với mục tiêu thúc đẩy quan hệ khu vực bất chấp ngờ vực từ một số nước Đông Nam Á. Gần đây, Bắc Kinh cũng bắt đầu theo mô hình của Mỹ khi đăng cai tổ chức một số hoạt động diễn tập đa phương.
Nhà phân tích Ian Seow Cheng Wei (Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế, ĐH Oxford, Anh), cho rằng việc Trung Quốc tổ chức diễn tập đa phương là nhằm gửi tín hiệu đến Mỹ rằng, nước này không bị khắc chế về mặt quân sự, còn đối với các nước Đông Nam Á, việc tham gia vào các hoạt động này là để thể hiện cam kết tăng cường quan hệ với cả 2 cường quốc và tránh chọn bên. Ngoài các chiến dịch tác chiến, hoạt động tập trận đa phương của Mỹ cũng bao gồm các mục tiêu giữ gìn hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Ngược lại, các đợt diễn tập của Trung Quốc thường tập trung cho hoạt động chống khủng bố, cướp biển.
Nhìn chung, theo nhà nghiên cứu Ian Storey (Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore), Trung Quốc vẫn ưa thích mô hình song phương hơn là đa phương, dù bản chất của hoạt động này chủ yếu mang tính trình diễn. “Khó có thể tưởng tượng được rằng các lực lượng vũ trang của 2 nước sẽ sát cánh nếu xảy ra xung đột trong khu vực”, ông Ian Storey nói.
Lực lượng không quân Thái Lan và Trung Quốc tại cuộc tập trận chung Falcon Strike 2024. Ảnh: Facebook/Royal Thai Air Force
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ ý định mở rộng hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á, nhưng theo nhà nghiên cứu Abdul Rahman Yaacob (chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Lowy), các nước trong khu vực vẫn tỏ ra thận trọng trong các cuộc thảo luận về vấn đề này, liên quan đến ý đồ của Trung Quốc trong khu vực cũng như các tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia ASEAN. Ông Abdul Rahman Yaacob cũng chỉ ra sự khác biệt quan trọng, đó là số cuộc tập trận đa phương có Trung Quốc tham gia ít hơn rất nhiều so với Mỹ, quốc gia vốn đóng vai trò an ninh chủ chốt trong khu vực kể từ Thế chiến 2. Sự hiện diện lâu dài này cho phép Washington phát triển một mạng lưới an ninh rộng khắp để tạo ảnh hưởng cho các cuộc tập trận chung. Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc ưu tiên diễn tập song phương cũng một phần do nước này cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin với các đối tác.
Đa số cuộc diễn tập trước đây giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chỉ tập trung vào các lĩnh vực an ninh phi truyền thông và “rất cơ bản” về bản chất. “Hầu hết hoạt động tập trận này không có hiệu quả nhiều trong hỗ trợ tác chiến mà chủ yếu mang tính “ngoại giao quốc phòng”, nhằm giúp các quốc gia này tăng cường hiểu biết với Trung Quốc, đồng thời có thể định hướng những phức tạp trong an ninh khu vực”, ông Abdul Rahman Yaacob nói. Trong khi đó, các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và đối tác có tính phức tạp hơn, tập trung vào các chiến dịch tác chiến quy mô lớn và giúp các nước nâng cao năng lực phòng thủ. Ông Abdul Rahman Yaacob cho rằng, chừng nào giữa Bắc Kinh và các nước còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ, thì sự hợp tác phòng thủ của nước này với khu vực nhiều khả năng về lâu dài sẽ vẫn mang tính hình thức.
LÊ QUẢNG (Theo SCMP)