Mẹ của em ơi!
Truyện ngắn của Y NGUYÊN
Nếu có người hỏi tôi: ngoài cha mẹ ra, người nào mà tôi yêu thương, kính trọng và gần gũi nhất trên đời, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: Chị Tư!
***
Nhà tôi anh chị em tổng cộng sáu người. Chị Tư con giữa. Thường theo quan niệm của các cụ ngày xưa thì làm con giữa sướng; bởi con cả phải “chịu đầu roi vọt”; con út “giàu út ăn khó út chịu”, tức thị một may một rủi; chỉ còn con giữa “mưa không đến đầu, bùn không đến gót” nên… thong dong!
Lý thuyết ấy mà đúng thì chị Tư tôi hẳn phải rất sướng!
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Chị Tư tuổi Giáp Ngọ. Trên chị có chị Hai, rồi anh Ba. Kế tiếp anh Năm, chị Sáu rồi mới tới tôi. Chắc do cầm tinh con ngựa nên chị Tư cũng khỏe mạnh nhanh nhẹn như… ngựa; chưa kể ngoại hình còn to con lớn xác nhất nhà! Thật tình, nếu chị chỉ giống ngựa tới chừng ấy thôi thì thật may. Khổ nỗi, huy chương nào cũng có mặt trái: Chị Tư tôi giống ngựa luôn ở chỗ cứ phải suốt đời làm… con ngựa thồ, nai lưng gánh việc! Ngày lũ em còn nhỏ, nghe mẹ kể, dù trong nhà có anh chị lớn; nhưng đỡ việc nhà cho mẹ người gánh vác chính lại là chị Tư. Chị Hai tiếng chị cả nhưng nhỏ con, chậm chạp, yếu ớt. Anh Ba con trai, ỷ được cha mẹ cưng chìu nên “trây nhớt” ham chơi; thậm chí quần áo anh mặc, thay ra cũng… đùn cho chị Tư giặt hộ! Chị Tư tốt tính, thật thà, siêng năng, đùn bao nhiêu việc cũng ôm miễn anh Ba biết ý, lâu lâu thả cho chị vài lời khen mát ruột! Chuyện ấy chắc thật mười mươi; bởi sau này tôi lớn lên, tận mắt chứng kiến cái tính hay lam hay làm của chị Tư mới biết chị ham việc thật! Ngoài thời gian học ở trường, về nhà ít khi thấy chị ngồi không, chẳng loay hoay việc nọ cũng cắm cúi việc kia; đi đứng lúc nào cũng tất tưởi, vội vàng. Mẹ thường nhìn bộ dạng của chị, chép miệng, thở dài: Tướng ấy rồi vất vả…
Chưa hết; câu chuyện trường thiên của mẹ về thời gian khổ của chị Tư còn dài hơn nữa: Cha tôi mất sớm; anh chị đều đi học xa. Ở nhà, chị Tư biến thành “con gái đầu”; thành chỗ dựa cả thể chất lẫn tinh thần cho mẹ còn chưa kịp hoàn hồn sau cái tang quá lớn. Làm chỗ dựa cho mẹ; thay mẹ làm bảo mẫu mấy đứa em lít nhít cần người chăm sóc trong đó có cả tôi. Hết việc đồng tới việc nhà, chị Tư lo quần quật gánh vác bởi mẹ mới sinh tôi còn rất yếu. Đồng áng, cơm nước xong lại nai lưng chăm em. Anh Năm lên bảy, chị Sáu mới lên ba còn nhỏ xíu xiu. Tắm rửa, bồng ẵm, cho ăn uống và vân vân. Mẹ bận chăm sóc tôi đương nhiên chị Tư ôm trọn gói!
Sức người nào phải gỗ đá. Khổ cực trăm bề. Nghe kể có lúc “áp lực” quá chị Tư chịu không thấu cũng có… nổi xung, mặt nặng mày nhẹ. Nhưng hễ thấy mắt mẹ tôi ầng ậng nước là chị lập tức làm bộ tươi tỉnh; lại nai lưng gánh việc như chẳng có chuyện gì xảy ra. Xóm giềng khen, con Tư khổ vậy mà không bao giờ thấy kêu ca, than thở! Dì Bảy gần nhà tôi nghe, nói như thay tiếng lòng của chị, nó sợ mẹ buồn nên giấu thôi. Mấy lần tui bắt gặp nó lén khóc một mình ngoài bờ…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Cũng lại nghe kể, vì nai lưng gánh việc mà chị Tư đuối sức, không kham nổi chuyện học hành, phải đúp lại một năm lớp 8 mặc dù trước đó chị học khá. Gia đình tôi quan trọng chuyện học lắm. Cha tôi trước lúc mất cũng từng căn dặn mẹ phải ráng cho con học hành đến nơi đến chốn. Đương nhiên chuyện chị Tư “rớt đài“ do ôm việc nhiều khiến mẹ đâm hoảng. Mẹ kêu người bán bớt bò, ruộng, “giảm tải” chuyện nhà để chị Tư có thời gian lo chuyện học. Giảm bớt thôi, chứ việc nhà, việc đồng chị Tư vẫn là lao động chính. Giờ mẹ bình phục, lo việc đồng áng bên ngoài thì không riêng chị Sáu mà cả tôi cũng giao qua luôn cho chị Tư. Nhỏ xíu. Chưa chồng con mà chị biết chăm em như mẹ chăm con; đến mức nằm trong vòng tay chị tôi yên tâm chẳng kém khi được mẹ bồng ẵm, tưng tiu…
Chị Hai, rồi anh Ba lần lượt lập gia đình. Giờ thì trong nhà chị Tư thực sự thành chị cả. Quán xuyến trong ngoài. Lo cho mẹ, cho em từ ăn ngủ đến học hành. Chị thương tôi nhất. Chị bảo, tôi nhỏ “út ét”; lại ra đời không cha…. Không cha ư? Nói khó tin; nhưng với tôi, chị Tư chính là cha. Đi học, đi chơi ngoài đường đứa nào ăn hiếp tôi là… biết tay chị ngay. Chị làm đồ chơi cho tôi, kiếm sách cho tôi đọc, dạy dỗ kèm cặp tôi đến nơi đến chốn. Mấy chuyện ấy mẹ tôi không giúp được; mà các anh chị khác trong nhà cũng không ai giúp được; chỉ có chị! Chị dạy mau thuộc, chỉ dễ nhớ; lại biết cách “dụ” tôi học bằng những chiêu rất sáng tạo. Còn nhớ, năm tôi học lớp 2, cái bảng cửu chương toán tôi nhai đi nhai lại mãi vẫn không sao nhét lọt vô đầu. Nguyên do không phải tôi tối dạ mà trời sinh tôi… ghét toán; cái gì đụng tới số má là tôi ớn lắm! Bù lại tôi thích học văn; biết đọc sách và mê đọc sách rất sớm. Nắm được cái “tẩy” ấy, chị âm thầm tìm, khuân về cuốn truyện đồng thoại “Truyện thỏ khắp thế giới”. Tập truyện dịch. Mới đọc vài trang đầu đã thấy mê. “Khoe hàng”, cho đọc “khuyến mãi” truyện đầu xong chị… thu hồi sách, ra điều kiện: Mỗi ngày tôi phải học thuộc một chương trong bảng cửu chương chị mới cho đọc tiếp! Mà tính chị, tôi biết, nghiêm lắm; nói là làm! Bị “chiếu bí”, tôi nhớ chỉ mất đâu độ nửa tháng hè đã “thanh toán” xong cái bảng cửu chương học hằng năm không thuộc!
Xong “kiếp nạn“ cửu chương lại tới bốn phép tính cơ bản. Tôi làm được tính cộng, trừ, nhân; chỉ tới phép chia là… lù mù, ngắc ngứ mãi không trôi! Cô giáo ở trường giảng nhanh quá, tôi không hiểu; về nhà gặp anh Năm nóng tính, giảng ba câu thấy tôi đần mặt, lơ ngơ là miệng quát, tay vung roi khiến tôi hoảng hồn, chữ nghĩa rớt mất sạch sành sanh! Mẹ nghe nóng ruột, can: Mầy dạy không được thì để chờ con Tư, đừng làm em nó sợ! Anh Năm tức tối vùng vằng: Gì cũng Tư, Tư, nhiêu đó giảng hoài không hiểu, đầu óc gì mà tối như cái chum! Kiểu dạy dỗ “thừa bạo lực thiếu chuyên môn“ của anh Năm chưa bao giờ đem lại cho tôi điều gì tốt đẹp! Chị Tư đi học xa, cuối tuần mới về nhà, thời gian rảnh rất ít. Vậy nhưng thương em, chị vẫn nhẫn nại ngồi vào bàn chỉ bày cho em. Và cái phép chia đáng ghét ấy, nói không ai tin, chỉ cần nghe chị giảng giải chừng ba mươi phút, làm thêm mươi bài tập mẫu là tôi đã có thể tạm vượt qua, đủ để khẳng định với anh Năm; rằng: Tôi không đến mức tăm tối như cái chum…
Chị Tư lấy chồng muộn. Đương thời đàn ông tăm tia chị chưa bao giờ vắng; nhưng chị cứ lấy cớ mẹ già, em dại mà lần lữa. Mẹ phải làm dữ chị mới nghe. Hôn nhân bất hạnh nửa đường gãy gánh, chị lại bồng con quay về, lại trở thành “bà chị cả” trong nhà lo toan mọi việc trước sau. Không; chính xác giờ chị không còn “chị cả” nữa mà đã chính thức thành mẹ. Mẹ tôi trăm tuổi già, ra đi về miền mây trắng mang theo nỗi đau về đứa con gái hiền ngoan nhưng số phận lận đận. Mất mẹ; còn mất mát nào lớn hơn cho những đứa con nhưng may chúng tôi còn có chị. Chị Tư thành mẫu hình hệt như người chị trong bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến; lo dựng vợ gả chồng cho từng đứa em. Vậy mà đã yên đâu. Ra riêng, có chuyện gì lục đục, khó khăn chúng tôi cứ thói quen dắt nhau về réo chị Tư hòa giải, giúp đỡ và cả trợ giúp vật chất. Bực mình có mắng mỏ; nhưng hết hồi chị lại bỏ công việc lo nai lưng đi dàn xếp, bảo ban, vun vén - thậm chí cứu vãn cho hạnh phúc gia đình của những đứa em có nguy cơ tan đàn xẻ nghé. Khuyên răn chí tình, chân mộc với câu chốt chặn bao giờ cũng khiến các em rơi nước mắt, hạnh phúc lứa đôi không dễ tìm, các em đang có phải cố mà giữ, đừng như chị…
… Ngày biết tin vợ chồng tôi ly hôn, chị Tư khóc như chính chị là người trong cuộc. Nhìn chị Tư tôi hiểu, chị đang đau cho nỗi đau của đứa em chị thương quý nhất nhà mà đành lực bất tòng tâm không giúp được! Chị Tư giờ trên tuổi bảy mươi, sống chật vật với thu nhập ít ỏi từ mấy sào ruộng. Cả một đời quên mình lo toan cho gia đình, em út, chị có giữ riêng gì cho chị đâu. Khổ vậy mà biết tôi đau ốm, khó khăn sau ly hôn, chị đến thăm; mắt trước mắt sau móc từ cạp quần ra một chỉ vàng y dúi vào tay tôi: Cho cậu. Để thuốc men, bồi dưỡng…. Nhìn mái đầu bạc phơ trước tuổi, nhìn gương mặt nám từng vệt đồi mồi, đuôi mắt rạn chân chim của chị tôi không kìm được, bật khóc.
Chị Tư ơi, mẹ của em ơi, chị có biết rằng, từ lâu, chị đã thành người mẹ thứ hai của em không…