Đi trong lòng phố
Tản văn của TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG
Nhà tôi cách Bồng Sơn tầm hơn sáu cây số, những năm học xong đại học từ Đà Nẵng trở về quê, mỗi chiều tôi hay xuống phố, có khi đi mua một ít đồ đạc, có khi hẹn với một vài người bạn, có khi chỉ lầm lũi một mình. Bồng Sơn trong tôi lúc nào cũng nhiều ký ức. Ký ức ấy gắn với thời thanh xuân, với sự phát triển của một thị trấn ven lộ trở thành phường trung tâm của thị xã như bây giờ…
Những con đường bê tông nhỏ ngày xưa giờ đều được mở rộng, trải nhựa thẳng tắp, có điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh. Tôi thích một mình đi thật chậm, quan sát từng đổi thay, mảnh đất trống nào vừa mọc lên những công trình mới, khúc cua nào được mở rộng, vào các dịp lễ tết người ta trang trí những gì. Chỉ trong hơn mười năm, nhất là từ khi Hoài Nhơn lên thị xã, Bồng Sơn đã thật sự ra dáng dấp của một phố thị sầm uất ven sông trong nay mai.
Tranh của họa sĩ VŨ HOÀNG TUẤN
Có những buổi chiều, tôi ngồi ở bờ sông Lại bên này nhìn sang phía bên kia, thấy những tòa nhà bắt đầu được mọc lên, những khu đô thị bắt đầu hình thành, những khu dịch vụ mới được mở ra, lòng rộn ràng những âm ba. Theo quy hoạch đã công bố, tôi tưởng tượng nội thị Bồng Sơn sẽ phát triển thành một thành phố trẻ trung năng động, còn hai bên bờ sông Lại sẽ hình thành những công viên ôm trọn những nét đặc trưng của xứ Dừa. Những con lộ thênh thang hai bên bờ sông rồi sẽ được mở ra, không gian đô thị sẽ phát triển về hướng biển, nơi những tuyến đường huyết mạch đã hình thành.
Ấn tượng mạnh nhất trong tôi về Bồng Sơn vẫn là một phố thị thật bình yên với nhịp sống chậm rãi, con người chân chất, hiền hòa. Ở đó có những món ăn bình dị của xứ Hoài đã thành thương hiệu, ở đó có lịch sử, có tình yêu của những con người nơi đây dành cho quê xứ của họ, ở đó có sự tích cực của chính quyền và sự chung tay của người dân xây dựng cho thị xã ngày càng phát triển. Đi trong lòng phố, nhiều khi lòng rộn ràng bởi một cành bằng lăng tím điểm xuyến nơi góc đường cho phố thêm dịu dàng, xao động vì một bóng dáng áo dài thướt tha của nữ sinh trường Tăng Bạt Hổ, một nụ cười của cô bán nước ven đường, một cử chỉ ấm áp của bữa cơm từ thiện cho người nghèo trước cổng bệnh viện để nghĩ đến câu nói “Của cho không bằng cách cho”, hay lòng thầm cảm ơn vì câu nói vọng lại của chị đi đường: “Gạt chân chống xe kìa em ơi!”
Nhạc sĩ Hàn Châu có một bài hát nổi tiếng viết tặng cho xứ này là Về quê ngoại, với những câu hát được rất nhiều người Việt trong nước cũng như hải ngoại nhớ đến: “Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ, nơi quê hương anh có hàng dừa xanh có ngàn câu hò thắm tình dân tộc…” rồi “Đây là quê hương anh một dòng sông xanh nước chảy êm đềm, đây là nhịp cầu tre nối liền hai thôn sớm nắng chiều mưa…”. Chẳng phải nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” hay sao.
Nếu ai xuôi ngược Bắc Nam trên hành trình vạn lý, có dịp ghé lại Bồng Sơn - quê hương núi Bồng sông Lại, mảnh đất nhỏ trên eo đất hẹp miền Trung thân thương, sẽ có những cảm nhận của riêng mình về đất và người nơi đây. Riêng tôi, nhớ mãi vòng quay xe đạp nặng trĩu hàng nông sản của mẹ những mùa gió ngược vượt cầu tre lắt lẻo qua sông rồi lại vượt lên con dốc bà Đội để chở quê ra phố, nhớ mãi ánh mắt của người con gái đã đứng chờ tôi nơi phố nhỏ, nhắc tôi có đi đâu cũng nhớ quay về!