Những gam màu hạnh phúc
Lớp dạy vẽ mang tên “Ðồng Tâm - Kết nối yêu thương” dành cho trẻ câm điếc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Ðồng Tâm khai giảng nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6) vừa qua. Ðây là lần đầu tiên Trung tâm tổ chức lớp học vẽ, giúp các em khám phá khả năng của bản thân, giao tiếp với thế giới xung quanh bằng cọ và màu sắc.
Một học viên cặm cụi vẽ tranh.
Lớp học gồm 20 em (từ 11 - 16 tuổi), diễn ra vào buổi chiều các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Các em được hướng dẫn kỹ năng vẽ từ cơ bản đến nâng cao, đặc biệt là tạo hình, tô màu trên các vật liệu nón lá, giấy A4, mặt nạ hát bội. Những hình ảnh được tái hiện trên sản phẩm là các danh lam thắng cảnh tại Bình Định, phong cảnh làng quê gần gũi.
Học viên hăng say múa cọ trên nón lá.
Từ khi lớp học được mở ra, Trung tâm cũng tích cực kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức, DN quan tâm, hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm do các em làm nên.
Các sản phẩm của học viên.
Theo ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Đồng Tâm, tiêu thụ sản phẩm là vấn đề rất quan trọng bởi nó quyết định sự tồn tại của lớp học. Đến nay, Trung tâm đã có đơn hàng đến từ một số DN du lịch với số lượng đặt hàng dao động từ 30 - 40 sản phẩm/đơn hàng.
“Thu nhập từ việc bán những sản phẩm sẽ phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của các em. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì đa phần các em ở Trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có một số em bị chậm phát triển, mắc chứng tự kỷ. Đây là cơ hội để các em hòa nhập với cộng đồng”, ông Dũng chia sẻ.
Cô Đào Thị Mộng Hằng tận tình chỉnh sửa từng nét vẽ cho học viên.
Tôi đến thăm lớp học đúng lúc cô giáo Đào Thị Mộng Hằng, Trưởng Bộ phận giáo dục (Trung tâm BTXH Đồng Tâm), đồng thời là giáo viên Mỹ thuật, đang cầm tay chỉnh sửa cho các em từng nét vẽ. Đáp lại sự tận tình của cô giáo, các em miệt mài, chăm chỉ từng nét vẽ trong niềm hạnh phúc, hân hoan. Sau khi hoàn thành sản phẩm, các em khoe với chúng tôi thành quả trong niềm vui sướng.
“Mặc dù vẫn còn rào cản trong giao tiếp, song tinh thần ham học hỏi của các em động viên tôi rất nhiều. Tôi nghĩ mỗi sản phẩm lưu niệm do chính tay các em tạo nên đều chứa đầy nỗ lực, tâm huyết và tình yêu quê hương của các em!”, cô giáo Hằng chia sẻ.
Hình ảnh tháp cổ Champa được tái hiện qua bức vẽ của em Đỗ Mạnh Tứ.
Thông qua cô Hằng, tôi biết nhiều hơn về hoàn cảnh của em Đỗ Mạnh Tứ (13 tuổi, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn). Nung nấu giấc mơ trở thành họa sĩ, cậu học trò nhỏ luôn hào hứng chuẩn bị các dụng cụ, tham gia đầy đủ các buổi học vẽ. Là một trong những học viên nổi trội của lớp học, những bức vẽ của Tứ rất có hồn, bắt mắt.
Tứ tâm sự: “Đây là cơ hội lớn để em thực hiện đam mê được vẽ. Em mong rằng những sản phẩm của mình và các bạn sẽ được nhiều người ủng hộ, qua đó mọi người sẽ có một khoản thu nhập để phụ giúp bố mẹ”.
TÀI NGÂN