Hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị: Mở đường cho sản xuất nông nghiệp bền vững
Ðề án “Hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hộ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 - 2025” do UBND tỉnh ban hành ngày 19.5.2021, đã thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, mở ra con đường phát triển bền vững, hiện đại cho ngành nông nghiệp ở địa phương.
Tín hiệu vui
Từ năm 2021, Đề án “Hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hộ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án) đã khởi động quá trình chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) theo chuỗi giá trị, một phương thức yêu cầu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Trang trại của ông Võ Vinh Ca là một trong những điển hình của sự thành công từ mô hình SXKD theo chuỗi giá trị. Ảnh: T.LỢI
Để Đề án lan tỏa sâu rộng, ông Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý, điều hành Đề án, cho biết: Từ năm 2022, công tác tuyên truyền đã được chú trọng. Nhờ đó, tỷ lệ nông dân hiểu và nắm bắt được mô hình này ngày càng tăng. Đây là sự chuyển biến không nhỏ, mở ra những cơ hội phát triển bền vững, giúp bà con thoát khỏi lối sản xuất truyền thống, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị cao và tính cạnh tranh mạnh mẽ.
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, việc đào tạo kỹ năng SXKD cũng được đẩy mạnh. Hơn 3.500 cán bộ và hội viên nông dân đã tham gia các khóa tập huấn để nắm vững kỹ năng lập và triển khai dự án sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, nhiều nông hộ đã tự tin xây dựng và phát triển các dự án của riêng mình. Trong năm 2022, có 46 hộ xây dựng dự án SXKD theo chuỗi, trong đó 12 dự án được công nhận. Con số này đã tăng lên 98 hộ/34 dự án vào năm 2023, cho thấy sức hút và hiệu quả của mô hình sản xuất này. Đến năm 2024, có thêm 102 hộ tham gia, đồng thời quy mô và mức độ đầu tư vào các dự án cũng ngày càng tăng.
Một trong những điển hình tiêu biểu của sự thành công từ mô hình SXKD theo chuỗi là trang trại của ông Võ Vinh Ca tại thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Mỗi năm, trang trại của ông nuôi khoảng 20.000 con gà theo hướng hữu cơ, đồng thời liên kết với 9 hộ chăn nuôi khác trong tỉnh, bao tiêu sản phẩm với quy mô từ 3.000 - 5.000 con gà/hộ. Toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ trong chuỗi 5 nhà hàng của gia đình, tạo ra hệ thống sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ, đảm bảo chất lượng cao và sự bền vững.
Công ty CP Yuuki Farm cũng là một ví dụ điển hình về thành công trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi. Với 6,4 ha đất tại xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn; trong đó có 1,6 ha đã được Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 2 - Đà Nẵng chứng nhận nông nghiệp hữu cơ), công ty trồng rau, củ, quả như rau cải, xà lách, cà chua, cà rốt, dưa leo, khổ qua và đu đủ. Trung bình mỗi ngày, Yuuki Farm xuất bán khoảng 2 tấn rau tới các siêu thị, quầy rau trên cả nước. Đặc biệt, Yuuki Farm còn phát triển các tour du lịch nông trại, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần quảng bá sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, công ty còn hợp tác với Công ty CP Đầu tư Kim Thảo Nguyên (TP Hồ Chí Minh) để triển khai Đề án trồng 500 ha rau gia vị như rau má, tía tô, diếp cá…, xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Còn khó khăn cần tháo gỡ
Đề án không chỉ hỗ trợ nông dân và DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn kết nối họ với các đối tác và thị trường. Ban Điều hành Đề án đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị, như: Bưu điện tỉnh, Viện Nghiên cứu Khoa học công nghệ mới và các DN trong, ngoài tỉnh. Những sự hợp tác này giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo minh bạch trong truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương.
Tuy nhiên, ông Trịnh Hưng Công, Giám đốc Yuuki Farm, cũng chia sẻ về thách thức lớn mà công ty đang gặp phải. Toàn bộ 6,4 ha đất mà công ty đang canh tác chỉ được thuê trong 5 năm, trong khi việc trồng rau hữu cơ cần ít nhất từ 2 - 3 năm để ổn định chất lượng sản phẩm. Việc thiếu sự ổn định về quỹ đất là một rào cản lớn cho kế hoạch đầu tư mở rộng và phát triển bền vững của công ty.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, sự hỗ trợ từ chính sách về quỹ đất, cơ chế thuê đất dài hạn và tín dụng ưu đãi là những yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công cho Đề án. Nông dân cũng mong muốn tỉnh tạo điều kiện phát triển các điểm bán sản phẩm đặc trưng địa phương, hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, cũng như nâng cao các chính sách hỗ trợ liên quan đến bao bì, quảng bá sản phẩm.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, SXKD theo chuỗi giá trị là giải pháp thiết thực và hiệu quả, tạo thay đổi lớn trong tư duy; tạo hướng đi mới, giải pháp tích cực để phát triển thế mạnh địa phương; làm gia tăng giá trị sản phẩm, chủ động được đầu ra, hướng đến xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững.
TRỌNG LỢI