Mùa bão Đại Tây Dương đang quá bất thường, giới khoa học lo ngại
Các chuyên gia bối rối khi Đại Tây Dương đang trong giai đoạn “sóng yên biển lặng” bất thường nhất trong 56 năm qua, trái ngược với dự đoán về một mùa bão khắc nghiệt.
Thông thường, đầu tháng 9 là thời điểm bão hoạt động mạnh mẽ nhất tại Đại Tây Dương. Các nhà khoa học từng dự đoán mùa bão năm nay rất nghiêm trọng, có thể đón tới 20 cơn bão lớn nối tiếp nhau, theo đài CNN.
Tuy nhiên, Đại Tây Dương lại đang yên tĩnh một cách kỳ lạ. Từ giữa tháng 8, kể từ Ernesto, Đại Tây Dương chưa có thêm cơn bão nào, một điều chưa từng xảy ra trong 56 năm qua.
Tình hình hiện tại cho thấy trong tương lai gần, khả năng bão hình thành là thấp.
Chuyên gia Michael Lowry cho biết nếu không có cơn bão nào xuất hiện cho tới ngày 10.9, đây sẽ là khoảng thời gian yên ắng chưa từng thấy trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa bão suốt gần 100 năm qua tại Đại Tây Dương.
Cơn bão Ernesto trên Đại Tây Dương vào ngày 15.8. Ảnh: CNN Weather
Theo các chuyên gia, mùa bão lạ lùng này bị ảnh hưởng bởi các điều kiện khí quyển cực đoan, vốn là hệ quả của biến đổi khí hậu.
Ông Matthew Rosencrans - đến từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - cho rằng những gì chúng ta đang chứng kiến có thể cung cấp một "lăng kính" giúp con người hiểu rõ hơn về hành vi bão thất thường trong tương lai. Từ lâu, giới khoa học đã cảnh báo việc trái đất nóng lên sẽ khiến số lượng bão ít đi nhưng lại mạnh hơn.
Các điều kiện lý tưởng cho bão phát triển - như nước biển ấm, gió trên cao ít làm gián đoạn bão và không khí ẩm dồi dào - đều đã có nhưng các cơn bão lại không hình thành.
Ông Phil Klotzbach, chuyên gia về bão và nhà khoa học tại Trường ĐH bang Colorado, nhận định các yếu tố khí quyển - vốn không được chú ý nhiều - đã cản trở quá trình này và chúng liên quan tới hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Ví dụ, nhiệt độ nước biển Đại Tây Dương gần đạt mức ấm kỷ lục kể từ trước khi mùa bão bắt đầu. Đây là yếu tố đã thúc đẩy bão Beryl cấp 5 với sức mạnh khủng khiếp ngay từ đầu mùa.
Tuy nhiên, bão không thể mạnh thêm nếu chúng ngay từ đầu không thể tiến vào vùng biển ấm.
Hầu hết bão bắt nguồn từ ngoài khơi bờ biển Trung Phi. Kể từ giữa mùa hè này, những điều kiện thời tiết tạo ra bão bị đẩy ra xa hơn về phía Bắc so với bình thường, thậm chí còn tới một trong những khu vực khô hạn nhất trái đất là sa mạc Sahara. Không khí khô, nhiều bụi và nhiệt độ đại dương lạnh hơn tại đây đã kìm hãm bão phát triển.
Ngoài ra, gió mùa ở châu Phi có lượng ẩm rất lớn, một yếu tố có thể cản trở bão "lớn". Một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 cho thấy bão cũng tuân theo nguyên tắc Goldilock: Độ ẩm cần ở mức vừa phải - không quá khô hoặc quá ẩm - thì bão mới hình thành và phát triển được.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo mùa bão năm nay vẫn chưa kết thúc. Hơn 40% hoạt động trong một mùa bão ở Đại Tây Dương thông thường diễn ra sau ngày 10.9. Ông Klotzbach tin bão sẽ trở lại mạnh mẽ từ nửa cuối tháng 9, khi các yếu tố cản trở bão có thể bắt đầu giảm bớt.
Theo Phương Linh (NLĐO)