Bình yên Giáo họ biệt lập Nghĩa Điền
Mô hình “Giáo họ an toàn - Giáo xứ bình yên” tại Giáo họ biệt lập Nghĩa Điền (thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) ra mắt đầu năm 2024, sau 9 tháng hoạt động, bước đầu đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực, góp phần lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào giáo dân.
Theo trung tá Vũ Phi Hùng, Trưởng CA xã Ân Nghĩa, Giáo họ biệt lập Nghĩa Điền (thuộc Giáo xứ Gia Chiểu) có 4 giáo họ với 193 hộ, 703 giáo dân và 1 nhà thờ. Mô hình có Ban điều hành gồm 15 thành viên, đây là những người nằm trong Ban biện họ, được bà con giáo dân tín nhiệm, là hạt nhân trong công tác vận động giáo dân nâng cao ý thức tự phòng, tự quản ANTT, phát huy tinh thần đoàn kết lương - giáo, “kính Chúa, yêu nước”, “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Ông Đặng Thành Sơn, Trưởng Ban điều hành mô hình, cho biết, các thành viên tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và CA xã tuyên truyền bà con giáo dân nói riêng nhân dân trong thôn nói chung, hiểu rõ và chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của địa phương về xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.
“15 thành viên Ban điều hành được phân đều ở 4 giáo họ, kịp thời nắm bắt mọi diễn biến về ANTT trên địa bàn. Cứ cuối tháng, Ban điều hành sẽ họp một lần để trao đổi tình hình thực hiện nhiệm vụ mô hình. Như một số trường hợp cần giáo dục, chấn chỉnh và các vụ mâu thuẫn nhỏ giữa bà con, Ban điều hành sẽ nhắc nhở, khuyên răn, hòa giải. Những trường hợp đặc biệt, chúng tôi nhờ linh mục quản nhiệm lưu ý, nhắc nhở trong các buổi lễ ở nhà thờ”, ông Sơn chia sẻ.
Cán bộ CA xã Ân Nghĩa cùng đại diện thôn Nghĩa Điền gặp gỡ, trao đổi về tình hình ANTT địa bàn cùng linh mục quản nhiệm và giáo dân sau một buổi lễ ở Nhà thờ Nghĩa Điền. Ảnh: N.C
Ngay sau khi ra mắt, mô hình đã cho thấy hiệu quả khi giải quyết tình trạng nhiều học sinh cấp 2 trong thôn vì nghiện game online mà thường xuyên trốn học, tụ tập lêu lổng. Xác định tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến ANTT, Ban điều hành mô hình phối hợp với các gia đình khuyên răn, có biện pháp quản lý con em, đồng thời thông báo nhà trường giáo dục, theo dõi chặt chẽ.
Tháng 4.2024, trong thôn xảy ra vụ mâu thuẫn giữa vợ chồng ông N.K.T. và bà N.T.C. Việc này chẳng những gây rạn nứt tình cảm gia đình mà còn phạm vào giáo lý, giáo luật. Ban điều hành thông qua các buổi sinh hoạt giáo họ và phối hợp tổ hòa giải đến nhà khuyên nhủ, động viên hai người hàn gắn, giữ gìn mái ấm gia đình.Ngoài các vấn đề được giải quyết kịp thời nêu trên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thôn cũng như trong Giáo họ không có tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra.
Theo ông Sơn, nhiều năm về trước, trên địa bàn thôn Nghĩa Điền có tình trạng giáo dân phản đối dự án do địa phương triển khai, nguyên nhân là vì bà con chưa nắm rõ, hiểu đúng các vấn đề. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của địa phương, nhận thức bà con giáo dân được nâng cao, mọi người ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; ngày càng tích cực hưởng ứng các hoạt động địa phương phát động, đoàn kết với đồng bào ngoài đạo để xây dựng, phát triển quê hương.
Linh mục quản nhiệm Trần Quốc Cường cho hay, từ công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và CA xã, đến hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của Ban điều hành mô hình cho giáo dân qua các buổi sinh hoạt giáo họ, các buổi lễ nhà thờ, bà con đã ý thức gìn giữ trật tự thôn xóm, ngăn ngừa thông tin xuyên tạc gây mất an ninh địa bàn và trong họ đạo.
Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Nguyễn Văn Liên đánh giá, mô hình đã làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng và đồng bào giáo dân. Nhờ sự phối hợp tích cực của linh mục quản nhiệm, chức sắc, chức việc, mô hình đã tập hợp, phát huy vai trò giáo dân trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
NGUYỄN CHƠN