Nỗ lực kéo giảm các điểm trường
Việc giảm các điểm trường là một trong những chủ trương quan trọng theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Bộ GD&ÐT, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giảng dạy và học tập, đặc biệt tại các vùng khó khăn, miền núi. Tuy vậy, đến nay ngành Giáo dục Bình Ðịnh vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện nghị quyết này.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, năm 2024 toàn tỉnh có 799 điểm trường, bao gồm cấp mầm non, tiểu học và THCS. Các điểm trường này tập trung ở các huyện như An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn…, có đặc điểm chung là nằm xa trung tâm, cơ sở vật chất hạn chế, thiếu hụt giáo viên, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức giảng dạy, đặc biệt là cấp tiểu học.
Giải quyết tình trạng dàn mỏng lực lượng giáo viên
Năm học này, Trường Tiểu học Canh Thuận (huyện Vân Canh) có 6 điểm trường/20 lớp, có 35 giáo viên phụ trách giảng dạy. Ông Nguyễn Hữu Thưởng, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: Mặc dù đảm bảo đủ số lượng giáo viên, nhưng như mọi năm, nhà trường phải chia nhỏ lực lượng để đảm bảo giảng dạy tại các điểm trường, điều này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học. Hơn nữa, do nằm trong làng, không có nhân viên bảo vệ nên gần như không thể đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy… cho các điểm trường.
Trường Tiểu học Canh Thuận (huyện Vân Canh) phân công 5 giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên môn chuyên về hỗ trợ giảng dạy tại điểm trường Kà Xim. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Với nỗ lực của các cấp, ngành, năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh đã xóa 5 điểm trường thuộc Trường Mẫu giáo Vĩnh Hiệp, gom lại thành một điểm trường đủ điều kiện để tổ chức dạy bán trú. Trong năm 2024, địa phương này phấn đấu tiếp tục xóa 1 điểm trường thuộc Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp, sáp nhập về điểm chính.
Ông Đặng Sỹ Y, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp, cho hay: Điểm trường Mỹ Thọ trước đây chỉ có 12 học sinh, cách điểm chính gần 3 km. Việc sáp nhập, bố trí về một điểm giúp trường dễ dàng quản lý, đầu tư; hơn nữa giáo viên có điều kiện tập trung, đầu tư nhiều hơn cho chuyên môn.
Nhờ nỗ lực liên tục trong vấn đề giảm thiểu điểm trường, đến nay huyện Phù Cát còn lại 48 điểm. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, nhận định: Việc giảm các điểm trường không chỉ giúp cải thiện điều kiện học tập mà còn tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực giáo dục. Thay vì phải phân tán giáo viên và tài nguyên đến các điểm trường có số lượng học sinh ít, địa phương tập trung phát triển những trường chính, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Còn nhiều khó khăn
Nỗ lực của các địa phương và ngành giáo dục là rất đáng ghi nhận, nhưng nếu tính toán đến việc kéo giảm, sáp nhập các điểm trường thì còn quá nhiều vướng mắc. Vì đa phần học sinh các điểm trường đều sinh sống trong làng, nơi dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, cách điểm chính cả chục cây số…
Nói về điều này, ông Nguyễn Ngọc Trình, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, trăn trở: Dù phải thừa nhận rằng còn khó khăn trong công tác quản lý và giảng dạy, nhưng các điểm trường nằm rải rác trong làng, nếu sáp nhập hẳn phải tính toán đến nhiều phương án phù hợp, đặc biệt phải tính đến khả năng đáp ứng của phụ huynh và học sinh, chứ không phải chỉ đơn giản là xóa điểm trường, gom lại một chỗ là xong.
Ở góc nhìn tương tự, ông Bùi Xuân Ngọc, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, phân tích: Dù đã giảm được khá nhiều các điểm trường trong 2 năm gần đây, song huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc sáp nhập 40 điểm trường còn lại. Kết quả khảo sát cho thấy các điểm trường cách nhau hàng chục cây số, trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, khoảng cách hợp lý từ nhà đến trường để đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho học sinh không quá 2 km đối với cấp mầm non, không quá 3 km đối với cấp tiểu học và không quá 4 km đối với cấp THCS… Do đó, để đảm bảo vừa giảm điểm trường, vừa thực hiện đúng quy định của nhà nước, chúng tôi phải tính toán hết sức kỹ lưỡng khi gom, sáp nhập, tổ chức điểm trường bán trú.
Trường Tiểu học An Vinh (huyện An Lão) hiện có 5 điểm trường nằm rải rác, phân tán. Hiệu trưởng Lê Văn Sáu kỳ vọng: Nếu được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức điểm trường bán trú hoặc có biện pháp hỗ trợ, tổ chức xe đưa đón học sinh, việc giảm điểm trường sẽ thuận lợi hơn nhiều…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm các điểm trường, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Không chỉ chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh và cộng đồng cần hiểu rõ lợi ích của việc sáp nhập các điểm trường.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, thông tin: Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực làm việc với các ban, ngành liên quan và các xã để thống nhất phương án sáp nhập trường; tiếp tục kết nối phòng GD&ĐT với các đơn vị liên quan trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cấp hạ tầng giao thông, tính toán việc xây dựng điểm bán trú cho học sinh ở xa… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích về lợi ích của việc sáp nhập các điểm trường, tìm sự hỗ trợ tối đa để các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.
Giảm thiểu số lượng điểm trường không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giáo dục mà còn giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nhỏ lẻ. Có như vậy, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục tại các huyện miền núi như An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh… mới có nhiều khởi sắc.
“Việc duy trì quá nhiều điểm trường lẻ dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, quá trình giảm các điểm trường lẻ cần tiến hành có lộ trình, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn, nhằm đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả và bền vững.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, tính toán việc kéo giảm điểm trường lẻ, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời chỉ đạo các phòng GD&ĐT tại các địa phương rà soát, tập trung sắp xếp các điểm trường, đặc biệt ở cấp tiểu học”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm
HỒ THỊ ÐIỂM