Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024...
Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 12 đến sáng ngày 13.9; đợt 2 từ ngày 23 đến ngày 26.9) tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các phó chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về công tác xây dựng pháp luật, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành cho ý kiến về các dự án: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Ủy ban Thường vụ cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8.2024…
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
(Theo PV/VOV.VN)