Nhân bản tế bào gốc từ máu cuống rốn
Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu miễn dịch và ung thư (IRIC) thuộc Đại học Montreal (Canada) vừa tuyên bố phát hiện ra một loại phân tử mới cho phép nhân bản tế bào gốc trong một đơn vị máu cuống rốn. Kết quả nghiên cứu mở ra hy vọng nâng cao mức độ an toàn của liệu pháp điều trị ghép tế bào gốc.
Tế bào gốc từ máu cuống rốn hiện được dùng để cấy ghép nhằm điều trị các bệnh về máu như bệnh bạch cầu, bệnh u tuỷ và bệnh ung thư hạch bạch huyết. Với nhiều bệnh nhân, liệu pháp ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn là phương cách điều trị cuối cùng.
Nhóm nghiên cứu do nhà huyết học, Tiến sĩ Guy Sauvageau đứng đầu đã phát hiện ra một phân tử mà nhóm đặt tên là UM171 có khả năng giúp nhân bản số lượng tế bào gốc trong một đơn vị máu cuống rốn tăng gấp 10 lần; đồng thời, giúp giảm đáng kể những biến chứng đi kèm với liệu pháp ghép tế bào gốc. Phát hiện này đặc biệt có ích đối với các bệnh nhân không phải là người gốc Caucasus (một khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á) vốn khó tìm thấy người hiến tặng tế bào gốc tương thích.
Dự kiến, tháng 12.2014, UM171 sẽ được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Maisonneuve-Rosemont (Canada) cùng với một công nghệ phản ứng sinh học mới do IRIC hợp tác với Đại học Toronto (Canada) phát triển riêng cho việc nuôi cấy tế bào gốc. Kết quả thử nghiệm xác thực dự kiến sẽ có sau đó 1 năm.
"Phân tử mới này cùng với công nghệ sinh học mới sẽ cho phép hàng ngàn bệnh nhân trên thế giới được tiếp cận liệu pháp ghép tế bào gốc an toàn hơn. Trong bối cảnh nhiều bệnh nhân hiện nay chưa thể hưởng lợi từ liệu pháp ghép tế bào gốc vì thiếu người hiến tặng phù hợp, phát hiện này là vô cùng hứa hẹn cho việc điều trị nhiều loại ung thư khác nhau" - ông Sauvageau nói.
Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh là một nguồn cung cấp tế bào gốc tuyệt vời vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu; tế bào gốc từ nguồn này có nguy cơ gây ra phản ứng kháng miễn dịch ở người nhận thấp hơn so với tế bào gốc từ tuỷ xương tự thân (tức tế bào gốc được lấy từ chính bệnh nhân rồi truyền lại cho bệnh nhân đó).
Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, số lượng tế bào gốc lấy được từ máu cuống rốn là quá ít, không đủ để điều trị cho người lớn nên hiện nay, nó chỉ áp dụng để điều trị cho trẻ em. Phân tử UM171 có thể giúp tăng đáng kể số lượng tế bào gốc nuôi cấy, đủ để điều trị cho người lớn.
Tố Uyên (Theo Science Daily)