Năng động, sáng tạo trong từng ý tưởng khởi nghiệp
Qua từng năm, Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp dần cải thiện về cách tổ chức, bám sát với sự phát triển, xu hướng của xã hội và chủ đề mỗi năm. Ðặc biệt, Ngày hội ngày càng cho thấy vai trò của Hội Phụ nữ trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; sự năng động, sáng tạo của chị em trong việc lên ý tưởng, phát triển kinh tế, khẳng định bản thân.
Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, diễn ra trong 2 ngày 11 và 12.9 tại Công viên thiếu nhi Quy Nhơn.
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Theo Hội LHPN tỉnh, thực hiện Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều lên kế hoạch hoạt động chặt chẽ, tập trung hỗ trợ chị em hoàn thiện ý tưởng và đồng hành giúp hiện thực hóa các ý tưởng đó. Cùng với đó, ở Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp các cấp, Hội LHPN tỉnh kết nối với các tỉnh, thành phố để quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ từ lúc mới bắt đầu hình thành cho tới khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Phụ nữ các địa phương giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024. Ảnh: T.K
“Năm 2019, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp. Riêng các sản phẩm đạt giải, chúng tôi phối hợp với địa phương tiếp tục hỗ trợ các chị phát triển ý tưởng, đề ra đường hướng rõ ràng hơn. Khi ý tưởng của các chị bắt đầu được hiện thực hóa, chúng tôi tìm nguồn lực đầu tư. Ví dụ như HTX sản xuất, kinh doanh hải sản Hương Thanh (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn), chúng tôi đầu tư từ lúc còn là tổ hợp tác. Đến lúc cơ sở phát triển hơn, chúng tôi tiếp tục động viên thành lập HTX góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.
Từ vài chục ý tưởng tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, đến nay, Hội LHPN tỉnh đã nhận được hàng trăm ý tưởng, chứng tỏ nhiều phụ nữ đã thấy được ý nghĩa khi tham gia chương trình. Theo chị Phan Thị Bích Cẩm, chủ cơ sở dược liệu thiên nhiên Cẩm Mộc (huyện Phù Mỹ), năm 2022, chị đạt giải nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Bình Định, sau đó được sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, chị tham dự cuộc thi cấp vùng miền Trung - Tây Nguyên và đạt giải khuyến khích.
“Cuộc thi không chỉ là cơ hội giao lưu, học hỏi về mặt ý tưởng mà còn giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình. Sau cuộc thi, chúng tôi còn được hỗ trợ rất nhiều về kinh nghiệm, kỹ năng để xây dựng, vận hành một cơ sở khoa học, chỉn chu”, chị Cẩm tâm sự.
Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như việc dịch chuyển phương thức bán hàng từ trực tiếp đến trực tuyến, Hội LHPN tỉnh cũng linh hoạt có các hoạt động hỗ trợ phù hợp. Hiện Hội đang tập trung vào chuyển đổi số và đã có nhiều buổi tập huấn về vấn đề này. Tại Ngày hội Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp năm nay, Hội còn mời chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ các chị cách livestream bán hàng. Về vốn, Hội dự định sẽ chọn ý tưởng mang tính khả thi cao nhưng còn khó khăn để hỗ trợ với mức 50 triệu - 100 triệu đồng tùy nguồn lực để động viên chị em mạnh dạn phát triển, không chia nhỏ số tiền như những năm trước.
Năng động, sáng tạo trong từng ý tưởng
Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp quốc gia năm 2024 và tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh, năm 2024, Hội LHPN tỉnh phát động Cuộc thi “Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Qua đó, Ban tổ chức đã nhận được 122 dự án và chọn 10 ý tưởng khả thi nhất để trao giải.
Trao giải cuộc thi “Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” tỉnh Bình Định năm 2024. Ảnh: T.K
Dự án “Phát triển nông dược xanh và du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số” tại xã An Toàn, huyện An Lão của chị Mai Thị Mỹ Lâm, Phó Chủ tịch HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn xuất sắc đạt giải nhất cấp tỉnh và có mặt tại vòng chung kết cấp vùng miền Trung - Tây Nguyên. Theo chị Lâm, mục tiêu của dự án là xây dựng một mô hình phát triển bền vững tại xã An Toàn, huyện An Lão thông qua phát triển vùng sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu, nông sản, dịch vụ du lịch cộng đồng.
“Ban đầu chúng tôi chỉ dự định trồng dược liệu nhưng cảnh quan nơi đây quá đẹp nên chúng tôi nghĩ đến việc “lấy ngắn nuôi dài”, tức là kết hợp làm du lịch. Hiện tại mảng dược liệu, chúng tôi có 9 sản phẩm chủ lực và có mặt ở hơn 800 nhà thuốc trên toàn quốc. Đặc biệt, có 54/80 hộ dân tại địa phương tham gia trồng dược liệu cùng chúng tôi. Ngoài ra, ở mảng du lịch, chúng tôi cũng đang hoạt động rất tốt và cùng với bà con nơi đây tạo nên dịch vụ du lịch cộng đồng bền vững”, chị Mai Thị Mỹ Lâm cho hay.
Hay như chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu (ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) với ý tưởng dự án “Trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây sâm tiến vua” đã đạt giải ba cuộc thi Phụ nữ Bình Định khởi nghiệp. Theo chị Hiếu, chị luôn trăn trở tìm loại cây phù hợp với thổ nhưỡng quê hương và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, chị được biết đến Công ty TNHH Sâm bố chính Tâm Linh ở TX An Nhơn và bắt đầu hợp tác. Hiện vườn sâm bố chính của chị đang phát triển tốt, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, ngày càng có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo, thể hiện sự nỗ lực và mong muốn vươn lên của chị em. Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành giúp hội viên, phụ nữ ngày càng tự tin hơn để khẳng định bản thân, tạo giá trị cho cộng đồng.
THẢO KHUY