Tín dụng chính sách tại Vân Canh: Trợ lực cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà ngói khang trang, ông Trần Văn Lên, dân tộc Chăm, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) thổ lộ: Nhiều năm nay, hoạt động sản xuất của gia đình tôi luôn có sự đồng hành của Ngân hàng CSXH huyện. Ban đầu tôi vay 30 triệu đồng để trồng 5 ha keo, tiền bán keo tôi trả nợ ngân hàng và để tái đầu tư. Sau đó, tôi vay thêm 40 triệu đồng, cộng với tiền tích góp được để xây dựng ngôi nhà mới. Năm 2023, tôi lại vay 100 triệu đồng để trồng rừng và nuôi 4 con bò. Nhờ thu nhập tăng lên, năm nay, gia đình tôi phấn đấu ra khỏi diện hộ nghèo.
Chị Đoàn Thị Thu Hiền chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: T.SỸ
Nhờ cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tận tình tư vấn, hướng dẫn, chị Đoàn Thị Thu Hiền, người dân tộc Chăm, ở khu phối Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh cũng đã nhiều lần được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các chương trình tín dụng để đầu tư phát triển kinh tế. “Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp, tạo điều kiện cho mình đầu tư và trả nợ vay. Tiền vay được mình đầu tư cải tạo 4 ha đất đồi để trồng keo, mua thêm 3 con bò sinh sản về nuôi và xây dựng nhà ở mới. Nhờ đó, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, năm 2023 gia đình mình đã ra khỏi diện hộ nghèo”, chị Hiền chia sẻ
Anh Lên, chị Hiền chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Vân Canh hưởng lợi từ tín dụng chính sách, từ đó có được cuộc sống tốt hơn. Theo Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, để dòng vốn nhanh chóng đến với người dân, ngân hàng đã củng cố, nâng cao hoạt động tín dụng tại cơ sở, tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất, nhu cầu vay vốn của người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về từng chương trình tín dụng chính sách cho người dân biết. Cán bộ ngân hàng cùng với tổ trưởng tổ TK&VV đến từng nhà dân để hỗ trợ thực hiện các thủ tục cần thiết và thẩm định hồ sơ, tiến hành giải ngân, không để người dân chờ đợi lâu. Nhờ đó, đến ngày 30.8.2024, tổng dư nợ vay của hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Vân Canh đạt gần 161 tỷ đồng/2.293 hộ vay, tăng 13,1 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
“Hiện Ngân hàng đang phát huy hiệu quả các điểm giao dịch ở cơ sở và các tổ TK&VV nhằm giải quyết vốn vay cho người dân một cách nhanh nhất; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, hội, đoàn thể hỗ trợ bà con phát huy nguồn vốn hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì thế, UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngân hàng chuyển tải nhanh dòng vốn tín dụng chính sách đến với người dân; đồng thời chỉ đạo ngành chức năng, hội, đoàn thể tích cực tư vấn người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. UBND huyện cũng sẽ trích ngân sách tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng KHKT vào thực tế, nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
MINH HẢI