Đón nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì của cha sau nửa thế kỷ đi tìm công lý
Ngày 8.9, gia đình ông Dương Minh Trị, 69 tuổi, ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức (Phù Mỹ) vinh dự đón nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì cho cha là ông Dương Ngọc Chánh (SN 1929). Tham gia cách mạng từ 1955 đến tháng 8.1968, do một sự nhầm lẫn, ông Chánh bị an ninh xã Mỹ Đức bắn chết và chịu hàm oan 56 năm qua. Ông Dương Minh Trị đã trò chuyện với phóng viên Báo Bình Định về hành trình đi tìm công lý, lấy lại danh dự cho cha.
Nỗi oan chất chứa đau thương
* 50 năm đi tìm công lý để lấy lại danh dự cho cha là một hành trình quá dài. Động lực nào khiến ông kiên định đến như vậy?
Suốt 50 năm qua, mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Cầu (mẹ liệt sĩ) khẳng định cha tôi là người của cách mạng. Bản thân mẹ tham gia cách mạng, bị địch bắt, tù đày. Bà là người động viên tôi đi bộ đội năm 1972 khi mới tròn 16 tuổi, sau đó đưa em trai tôi là Dương Minh Ninh đi bộ đội năm 1980. Em tôi đã hy sinh ở Campuchia. Bà mong mỏi các con đi đúng con đường mà cha tôi lựa chọn, dẫu lúc đó vẫn mang hàm oan là “gián điệp”. Đến năm 2019, bà mất nhưng vẫn đau đáu, gởi gắm cho tôi phải giải oan cho cha bằng được.
Ngày ấy, cái chết của cha đè nặng lên đầu các anh em tôi và khép chặt ngõ vào đời của mọi người. Trong suốt quá trình kêu oan cho cha, chúng tôi nỗ lực học tập, tham gia mọi hoạt động phong trào chỉ mong là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ như những gì cha hằng mong.
Ông Dương Minh Trị làm mâm cơm cho cha nhân ngày giải oan, nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Ảnh: NVCC
* Tin mẹ, 5 anh chị em của ông đều gởi đơn lên huyện, tỉnh, Trung ương để kêu oan cho cha… Đã có nhiều văn bản Trung ương khẳng định cha ông bị oan…
Từ năm 1980, tôi nhận được báo cáo xác minh số: 25/BC-CA, ngày 21.11.1980 của CA huyện Phù Mỹ, Ty CA tỉnh Nghĩa Bình (nay là CA tỉnh Bình Định), nêu rõ: Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Chánh làm nghề y tá và dạy học; đồng thời, cũng là cơ sở cách mạng của ta, được các đồng chí Võ Tấn, Phó Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ và đồng chí Trương Thị Đổng (lão thành cách mạng, đảng viên thôn An Giang, xã Mỹ Đức) giao nhiệm vụ. Ngày 3.8.1968, ông bị an ninh xã Mỹ Đức bắt và sau đó bắn chết với lý do “làm gián điệp”.
Rất nhiều đồng đội của cha tôi xác thực văn bản xác minh, đồng thời khẳng định: Trước khi xảy ra vụ việc này, vào tháng 7.1968 có một cuộc họp chi bộ, dự cuộc họp này có ông Nguyễn Ngưu là Phó ban An ninh xã. Tại cuộc họp, ông Ngưu đưa ra ý kiến bắt ông Chánh với lý do “làm gián điệp”. Nhưng chi bộ không đồng ý, vì không có cơ sở, hơn nữa lúc đó ông Chánh đang là cơ sở cách mạng. Vậy mà, sau đó cha tôi vẫn bị bắt và bị bắn chết vào đêm 9.8.1968.
Tiếp đó, gia đình tôi nhận báo cáo số 25/BC-CA ngày 21.11.1980 của CA huyện Phù Mỹ có đoạn: “Tóm lại, cái gọi là tổ chức phản động gián điệp do Nguyễn Ngưu (người ra lệnh bắt và bắn ông Chánh - PV) dựng lên và tiến hành giết hàng loạt người là sự bịa đặt theo định kiến thù hằn, phán đoán theo cảm tính… Trong số người bị giết, có người vô tội bị giết oan, trong đó có Dương Ngọc Chánh”. Năm 1969, ông Nguyễn Ngưu bị khai trừ ra khỏi Đảng, cắt chức phó ban an ninh vì đã gây ra nhiều tội ác, có nhiều vi phạm.
Thế nhưng, lãnh đạo xã Mỹ Đức vẫn không minh oan cho cha tôi. Sau đó, liên tiếp các văn bản số 1973/A11(A35), ngày 14.12.2000 và văn bản số 1028/A11(A35), ngày 6.8.2001; văn bản số 524/A35, ngày 22.12.2003… của Tổng cục An ninh (Bộ CA) với nội dung “Về việc minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh”, gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, kết luận: “Cơ quan An ninh đã tập trung thu thập tài liệu từ nhiều nguồn, bằng nhiều phương pháp xác minh khách quan, khoa học khẳng định ông Dương Ngọc Chánh không phải là gián điệp phản động hay đã cộng tác với địch”.
Từ 16.11.2009 đến 8.9.2017, Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương có công văn số 6861-CV/BTCTW, công văn số 3659-CV/BTCTW đề nghị thông báo các văn bản liên quan của Bộ CA, Ban Tổ chức Trung ương về việc minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh đến Đảng ủy xã Mỹ Đức và Huyện ủy Phù Mỹ.
Ngày 3.10.2017, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định trực tiếp tổ chức hai cuộc họp Ban Chấp hành Huyện ủy Phù Mỹ và Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mỹ Đức mở rộng, để quán triệt nội dung các văn bản của Ban Tổ chức Trung ương và của Tổng cục An ninh (Bộ CA) kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng.
Niềm tin vào công lý
* Vậy tại sao đến ngày 8.9.2024 gia đình mới được công bố giải nỗi oan này?
Với tôi, niềm tin cha mình bị oan là có thật và chỉ còn thời gian chứng minh điều ấy. Anh em tôi vẫn dặn lòng phải sống, học tập, làm việc có ích cho xã hội.
Ngoài người em trai hy sinh, tôi còn 2 em gái và em trai út. Gia đình các em đều vất vả, làm ăn sinh sống tại TP Quy Nhơn. Cả gia đình có mình tôi sau khi đi bộ đội C5, đại đội công binh huyện Phù Mỹ, chuyển làm tại bệnh xá khu Đông, huyện Tuy Phước. Năm 1975, tôi về làm tại Sở Y tế và năm 2001 chuyển công tác về Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi chuyển công tác làm thanh tra Bộ Y tế tới khi nghỉ hưu.
Suốt quãng thời gian đó, tôi chịu khó vừa làm vừa đi tìm công lý cho cha. Từ sau năm 2017, khi có đủ văn bản minh oan cho cha, tôi gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng cho ông Dương Ngọc Chánh vì có thành tích trong kháng chiến, cứu nước.
Huy chương kháng chiến hạng Nhì của ông Dương Ngọc Chánh. Ảnh: NVCC
* 7 năm đề nghị cấp Trung ương khen thưởng, khi nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì, món quà lớn dâng lên bàn thờ ba mẹ, chứng minh sự trong sạch của cha ông - Dương Ngọc Chánh, ông có cảm xúc như thế nào?
Ngày 17.7.2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã ký quyết định truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì cho ông Dương Ngọc Chánh vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi nhận được thông tin này, gia đình ai cũng xúc động, nước mắt rơi, bao nỗi vất vả vì chịu tiếng đời, hàm oan suốt 50 năm qua đã khép lại.
Anh em tôi làm giỗ cha vào đúng ngày 8.9, khấn báo cáo vụ việc mong cha mẹ yên lòng, người chiến sĩ năm xưa đã được minh oan. Niềm tin của mẹ bao năm trở thành hiện thực. Tôi nghẹn cả lòng mừng đến mất ngủ.
Nỗi đau 50 năm ấy nói là dĩ vãng nhưng không thể quên ngay. Bữa tiệc gặp mặt của gia đình đầy niềm vui, tự hào.
HẢI YẾN