Lo… “hậu bão”!
Từ đầu năm đến nay nước ta đã có 3 cơn bão đổ bộ vào. Tuy bão không lớn và không gây hại trực tiếp nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa lớn thì lại gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản của dân cư do lũ lụt và sạt lở đất.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương cho biết, trong cơn bão số 2-2014 không hề có thiệt hại nào về người lúc bão đổ bộ, nhưng sau đó đã có tới 38 người bị thiệt mạng tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, mà nguyên nhân chủ yếu lại là bị lũ cuốn trôi và sạt lở đất. Mới nhất là trong cơn bão số 3 vừa qua, thống kê sơ bộ đã có ít nhất 14 nạn nhân thiệt mạng và mất tích cũng chủ yếu do mưa lũ, sạt lở đất và sau khi bão đã đi qua. Còn theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến tháng 8.2014, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương 351 người; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỉ đồng.
Số nạn nhân thiệt mạng sau khi bão đã đi qua nhiều hơn tưởng như là một nghịch lý, nhưng lại là chuyện xảy ra ngày càng phổ biến trên thực tế. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm trong công tác này là sớm đề ra các giải pháp ứng phó hữu hiệu nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong thời gian tới. Theo nhiều phân tích thì một trong những nguyên nhân là tâm lý chủ quan hoặc nhận thức chưa đúng về sự nguy hiểm của các mối nguy hiểm do sau bão gây ra, chỉ đến khi hậu quả xảy ra thì đã là…“sự đã rồi” (!).
Hiện nay, tỉnh ta còn nhiều khu vực dân cư đang sống trong mối nguy bị sạt lở đất do mưa lũ và triều cường đe dọa. Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều làng xóm, khu dân cư đang ở trong tình trạng “treo” bên bờ sóng hết sức nguy hiểm, với nhiều nguy cơ chực chờ gây họa. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành quy hoạch và đã xây dựng một số khu tái định cư để di dời dân ở các vùng này đến nơi an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do số hộ dân chuyển đến ở vẫn rất thấp, số hộ ở lại tại vùng nguy hiểm còn khá đông là điều rất đáng lo khi mùa mưa bão đang cận kề.
Để giảm thiểu thiệt hại về người và của do thảm họa thiên tai gây ra, điều quan trọng nhất vẫn là đề cao cảnh giác, tích cực phòng tránh của cả các cơ quan, các cấp chính quyền, của mỗi người dân. Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay là phải tăng cường nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về bão lũ. Đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là bà con ở vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Cùng với việc cung cấp thông tin cảnh báo phòng ngừa, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các cơ quan, ban ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc phòng chống bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ” thật cụ thể, chu đáo.
Đặc biệt, cần theo dõi sát diễn biến tình hình để kịp thời xử lý ngay các tình huống phát sinh, không để xảy ra thiệt hại bất ngờ vào thời điểm… “hậu bão” do thiếu sâu sát tình hình. Về lâu về dài thì cần phải kiên quyết di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm để mang lại sự an toàn cao nhất cho người dân.
H.Đ