Tăng diện tích trồng rừng, kiểm soát chặt nguồn cây giống
Thời điểm hiện nay, người trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh đang tất bật bước vào vụ trồng rừng Thu Đông 2014. So với mọi năm, công tác trồng rừng năm nay được triển khai khá thuận lợi, các điều kiện về đất đai, kỹ thuật, cây giống lâm nghiệp được chuẩn bị khá chu đáo, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Theo Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN-PTNT, trong niên vụ trồng rừng năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới 8.500 ha rừng tập trung, bao gồm, rừng phòng hộ, môi trường cảnh quan 1.240 ha; rừng ngập mặn 30 ha và rừng sản xuất 7.230 ha.
Đáp ứng đủ nhu cầu cây giống
Đến giữa tháng 9, các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm được 120 triệu cây giống các loại, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng năm nay.
Năm nay, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh có xu hướng sử dụng các giống lâm nghiệp chất lượng cao được sản xuất bằng phương pháp cấy mô, thay cho các giống cây được sản xuất bằng phương pháp giâm hom. Ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, chu kỳ khai thác ngắn; cây ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, hiệu quả kinh tế cao.
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Dịch vụ giống cây trồng Nguyên Hạnh, có cơ sở sản xuất giống tại xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), cho biết: Qua thực tế sản xuất, các giống cây cấy mô có sức chống chịu trước gió bão tốt hơn các giống giâm hom nên được người trồng rừng lựa chọn nhiều dù giá chênh lệch khá nhiều. Thời điểm này, giá cây giống cấy mô cung cấp tại vườn ở mức 1.400 đồng/cây; cây giống giâm hom 600 đồng/cây. Năm nay, đơn vị của chúng tôi sản xuất được 2,5 triệu cây giống keo lai cấy mô với các giống như BV10, BV16, BV32 và bạch đàn U6. Hầu hết lượng cây giống cấy mô của đơn vị được người trồng rừng trong và ngoài tỉnh đặt hàng trước nên sản xuất tới đâu tiêu thụ ngay tới đó.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, thời tiết thường xuyên có mưa vào buổi chiều và ban đêm, người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý thực bì, cuốc hố (đến nay đã được 5.000 ha/8.500 ha) để triển khai trồng rừng. Chi cục đã phối hợp với các địa phương tiến hành hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật trồng rừng cho các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; đồng thời đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình tập trung trồng rừng từ đầu tháng 10 tới để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch trồng 8.500 ha rừng trong vụ trồng rừng này.
Tăng cường kiểm soát chất lượng cây giống
Năm nay, hầu hết các cơ sở, đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sản xuất số lượng khá lớn. Hiện tổng số đơn vị có đăng ký sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh là 106 đơn vị, gồm 28 công ty, 2 trung tâm, 5 doanh nghiệp tư nhân, 7 ban quản lý rừng phòng hộ và 64 cơ sở hộ gia đình. So với cùng kỳ năm trước, số cơ sở cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 14 đơn vị. Hiện các cơ sở sản xuất đã xây dựng được 114 vườn ươm, với tổng diện tích 72,5 ha, năng lực sản xuất khoảng 200 triệu cây giống/năm. Hầu hết các đơn vị sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom đối với cây keo lai; một số đơn vị sản xuất cây giống keo lai, bạch đàn từ nuôi cấy mô và sản xuất các loài cây bản địa như: phi lao, keo lá tràm, thông Caribe, sao đen, bời lời... từ hạt giống.
Mặc dù nguồn cây giống phục vụ công tác trồng rừng năm nay được đánh giá khá dồi dào so với mọi năm, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng, vẫn còn một số hộ gia đình không đủ điều kiện vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp và sử dụng nguồn giống không được công nhận để cung ứng cho người trồng rừng. Một số hộ trồng rừng vì ham rẻ nên mua cây giống trôi nổi để trồng rừng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và hiệu quả kinh tế trồng rừng sau này.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Sở NN-PTNT đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đầu tháng 9 đến nay, Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp, qua đó yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Bộ NN-PTNT về quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trong tỉnh; đồng thời rút giấy phép, xử lý nghiêm đối với một số chủ vườn ươm cây giống không thực hiện đúng các quy định về sản xuất giống cây lâm nghiệp. Ngành chức năng cũng đã khuyến cáo người trồng rừng không nên mua, sử dụng các giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng nhằm tránh thiệt hại về kinh tế.
Một vấn đề được quan tâm trong công tác trồng rừng năm nay là ngành chức năng đang xây dựng phương án, lên kế hoạch trồng lại gần 60 ha rừng bị cháy trên núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn). Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở NN-PTNT đang xây dựng phương án để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm trồng lại rừng môi trường cảnh quan trên núi Bà Hỏa bị thiệt hại do cháy trong tháng 8 vừa qua. Các loại cây truyền thống lâu nay như keo lai, bạch đàn không được chọn để trồng vì không phù hợp với địa hình núi đá tại địa phương, lại rất dễ xảy ra cháy do lá rụng nhiều. Ngành Nông nghiệp đang liên hệ với các Trung tâm sản xuất giống của Bộ NN-PTNT để tìm nguồn giống phù hợp.
NGUYỄN HÂN