Tuy Phước chủ động ứng phó với mưa lũ lớn
Huyện Tuy Phước có địa hình thuộc vùng trũng thấp, nằm cuối nguồn của 2 hệ thống sông Côn và sông Hà Thanh nên hằng năm, khi có bão, mưa to kết hợp nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nhiều vùng trong huyện bị ngập sâu và chia cắt. Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, ngày 10.9, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Huỳnh Nam, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện, đã ký Quyết định phê duyệt Phương án phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 của huyện.
Trên cơ sở hạn chế từ những năm trước, phương án năm nay đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, theo ông Nam, có 3 giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là từng địa phương, đơn vị phải chuẩn bị kỹ phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ phù hợp với tình hình thực tế của mình, nhất là các xã, thị trấn có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Trong đó, công tác chuẩn bị phương châm “4 tại chỗ” cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Thứ hai là phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau bão lũ, cập nhật kịp thời đến người dân diễn biến của bão lũ, để họ chủ động cùng với chính quyền phòng chống hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản. Cuối cùng là phát huy tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của từng thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ và phòng thủ dân sự từ huyện đến các xã, thị trấn, gắn với nâng cao chất lượng công tác phối hợp xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.
Các xã khu Đông của huyện Tuy Phước đã có phương án đảm bảo an toàn bến đò, tàu, thuyền trên địa bàn. Ảnh: N.N
Huyện nhận diện từng vùng có nguy cơ ảnh hưởng của gió bão, nước biển dâng do bão, vùng có nguy cơ ảnh hưởng do lũ, ngập lụt, sạt lở đất và xây dựng kịch bản ứng phó với bão theo nhiều cấp độ rủi ro, kịch bản sơ tán dân ứng phó với bão, lũ theo nhiều cấp độ. Đồng thời, đưa ra những phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước, đảm bảo an toàn đê điều, đê sông, đảm bảo an toàn ngư dân và tàu thuyền, đảm bảo an toàn cầu, cống giao thông và đảm bảo giao thông tại các khu vực trọng điểm, nhất là những đoạn ngập nước sâu, các tuyến giao thông ngập nước trước đây thường xảy ra tai nạn, các bến đò…
Hằng năm, xã Phước Hòa là một trong những địa phương thường có những vùng bị ngập sâu, chia cắt do mưa bão lớn. Từ đầu tháng 8, xã đã khởi động công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai đến người dân để nhắc nhớ, cập nhật thêm thông tin, tránh tâm lý chủ quan của nhiều người. “Do địa bàn trũng thấp nên nếu mưa lớn kéo dài, một số đoạn đường cục bộ trong xã bị ngập nước. Xã đang tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân và luôn sẵn sàng tư thế triển khai những kịch bản ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” khi mưa bão đến”, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa Võ Hồng Thắm cho hay.
NGỌC NGA