Thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Những năm trước đây, kinh tế của gia đình ông Đinh Văn Óc (44 tuổi, dân tộc Bana, ở làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh) hầu như chỉ phụ thuộc vào vài sào đất trồng mì cao sản và lúa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với quyết tâm vượt khó, ông đã không ngừng tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương. Giai đoạn năm 2007 - 2009, qua sự tư vấn, hướng dẫn của tổ Tiết kiệm và vay vốn làng Cát, các hội, đoàn thể xã, ông vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh để đầu tư mua 6 con bò lai sinh sản nuôi.
Ông Óc cho biết: “Tôi tự tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi từ sách, báo và trên internet; đồng thời, mạnh dạn đăng ký các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho bò do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức và tham quan các mô hình chăn nuôi tiêu biểu trong, ngoài huyện để lấy kinh nghiệm”.
Ông Óc chăm sóc đàn bò sinh sản tại chuồng. Ảnh: D.Đ
Đồng thời, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, ngoài việc trồng cỏ voi, chăn thả trên các đồng cỏ, vào vụ thu hoạch lúa, ông Óc còn thu mua thêm rơm rạ của bà con trong làng về cất giữ, đảm bảo chủ động nguồn thức ăn trong mùa đông. Nhờ biết áp dụng các biện pháp KHKT vào chăn nuôi, đàn bò của ông sinh trưởng rất tốt; lúc cao điểm, gia đình nuôi gần 50 con bò lớn, nhỏ. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường từ 8 - 10 con bò giống, bò thịt, thu lãi gần 120 triệu đồng.
Từ lợi nhuận bán bò, ông còn đầu tư trồng thêm 18 ha keo lai, 1 ha mì cao sản, 8 sào lúa, nuôi gà thả vườn, sắm xe công nông để vận chuyển nông, lâm sản… Những hoạt động này tạo thu nhập ổn định hơn 110 triệu đồng/năm. Từ đó, kinh tế gia đình ông đã khấm khá hơn nhiều so với trước, xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Liên Đinh Văn Mực đánh giá: “Mô hình chăn nuôi bò của hộ ông Đinh Văn Óc đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác được lợi thế của địa phương. Xã đang vận động, khuyến khích bà con tại các làng đến mô hình của ông Óc để học hỏi kinh nghiệm, từng bước nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế…”.
DUY ĐĂNG