Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Cùng với các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng với nhiều ca mắc, đến nay, tại Bình Định cũng đã xuất hiện một số ca bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà…
Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phức tạp
Chiều 10.9, bé T.B.T (8 tuổi, ở TP Quy Nhơn) được đưa vào cấp cứu tại khoa Nhi (BVĐK tỉnh) trong tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng, huyết áp tụt kẹp, tiểu cầu giảm… Chẩn đoán bị sốc sốt xuất huyết Dengue ở ngày thứ 4, các bác sĩ điều trị can thiệp bằng truyền dịch cho bé theo phác đồ. Đến chiều 12.9, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, ngưng truyền dịch và tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại đơn nguyên cấp cứu nhi.
Đến sáng 13.9, khoa Nhi (BVĐK tỉnh) có 8 trẻ đang điều trị sốt xuất huyết và 2 trẻ mắc tay chân miệng. Theo trưởng khoa Phạm Văn Dũng, từ đầu năm 2024 đến nay, khoa tiếp nhận điều trị khoảng 800 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết và gần 200 trường hợp mắc tay chân miệng trong và ngoài tỉnh; nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết sốc nặng.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm vắng bóng, đến cuối tháng 8 và đầu tháng 9, khoa Nhi đã ghi nhận 1 ca bệnh trẻ em mắc ho gà và 1 trẻ nghi mắc sởi. Cả hai trẻ này đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh liên quan do chưa đủ thời gian. Hai bệnh nhi đều được điều trị tích cực, sức khỏe ổn định và đã xuất viện.
“Hiện, khoa chủ động giám sát trường hợp nhập viện mắc các bệnh truyền nhiễm, ngay khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ thì báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang. Hằng ngày, khoa thực hiện báo cáo giám sát bệnh sởi, bạch hầu, ho gà…; định kỳ hằng tuần giao ban trực tuyến với Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) về điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, bác sĩ Dũng nói.
Sở Y tế thông tin, đến ngày 10.9 toàn tỉnh đã có 1.959 ca sốt xuất huyết tại 11/11 địa phương. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc tăng 8%; ổ dịch tăng 60% (161 ổ dịch). Trong khi đó, bệnh tay chân miệng ổn định hơn với 256 ca mắc tại 10/11 địa bàn (trừ huyện An Lão). TP Quy Nhơn là địa phương dẫn đầu số ca mắc sốt xuất huyết lẫn tay chân miệng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho hay, nhiều bệnh truyền nhiễm đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta, đặc biệt các bệnh có vắc xin dự phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà… Tại Bình Định, năm 2024 cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh sởi (An Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn); 1 ca rubella (Hoài Nhơn); 1 ca ho gà (Quy Nhơn); 1 ca viêm não Nhật Bản B (Hoài Ân).
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại đơn nguyên cấp cứu nhi (khoa Nhi, BVĐK tỉnh). Ảnh: M.H
Củng cố tỷ lệ phủ vắc xin lấp “lỗ hổng” miễn dịch
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung nhận định, một trong những nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin phòng bệnh quay trở lại là thời gian giãn cách do dịch Covid-19; gián đoạn cung ứng vắc xin từ tuyến trên đã ảnh hưởng đến cung cấp vắc xin cho địa phương triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ dưới 1 tuổi đã giảm so với chỉ tiêu đề ra, tạo nên lỗ hổng miễn dịch tại cộng đồng. Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong tiêm chủng mở rộng có nguy cơ tiếp tục tăng, lây lan trong cộng đồng.
Ngoài ra, một số dịch bệnh mang tính chu kỳ như dịch sởi 4 - 5 năm sẽ bùng phát 1 lần, năm 2024 rơi đúng vào chu kỳ 5 năm…
Đến tháng 8.2024, tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc xin cho trẻ trên địa bàn tỉnh đạt tiến độ đề ra như vắc xin phòng bệnh lao BCG (57,5%), DPT-VGB-Hib mũi 3 (57,9%), sởi (59,4%), viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh (51,3%). Tuy nhiên, một số loại vắc xin chưa đạt tỷ lệ như mũi bại liệt (chỉ 49,3%), sởi-rubella (56,4%), DPT (52,6%), viêm não Nhật Bản B (49,2%).
“Ngoài các đối tượng thuộc diện tiêm chủng năm 2024, tích cực triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng năm 2023 chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi, tránh bỏ sót đối tượng cũng như bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng phòng bệnh. Một số vắc xin cung ứng thiếu, tỉnh sẽ triển khai tiêm ngay khi nhận được vắc xin bổ sung từ Viện Pasteur Nha Trang. Cùng với đó, ngành tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là sắp tới vào mùa mưa là cao điểm sốt xuất huyết”, ông Trung nhấn mạnh.
Đến ngày 12.9, TP Quy Nhơn có 469 ca sốt xuất huyết, tăng 238 ca; số ổ dịch tăng 13 ổ so với cùng kỳ năm 2023; 104 ca tay chân miệng, 6 ổ dịch. Đáng chú ý, đã ghi nhận 1 ca ho gà tại phường Quang Trung; 1 ca nghi mắc sởi đang chờ kết quả xét nghiệm.
TTYT TP Quy Nhơn xây dựng kế hoạch phối hợp với y tế học đường tại các trường mầm non tuyên truyền về phòng, chống bệnh tay chân miệng, đồng thời giám sát chặt chẽ ca bệnh nghi ngờ, điều tra xác minh để có hướng xử trí kịp thời, tránh bùng phát dịch. Đối với sốt xuất huyết, lên kế hoạch chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất chủ động; tăng cường giám sát véc tơ, kiểm tra các ổ bọ gậy thường xuyên, phát hiện và xử lý ca bệnh kịp thời…
Trong 11 loại vắc xin tiêm chủng mở rộng tại địa bàn Quy Nhơn, hiện chỉ có 2 vắc xin có tỷ lệ tiêm đạt chỉ tiêu đề ra là lao (đạt 67,4%); vắc xin “5 trong 1” có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT-VGB-Hib 3) đạt 70,5%. Bác sĩ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho rằng, nguyên nhân là hết vắc xin hoặc cấp nhưng thiếu so với nhu cầu, do vậy công tác triển khai bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi tiếp tục triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin đảm bảo an toàn, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng của các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng.
TX An Nhơn cũng ghi nhận 1 trẻ mắc bệnh sởi. Bác sĩ Cao Văn Bảy, Phó Giám đốc TTYT TX An Nhơn, khẳng định, công tác tiêm chủng mở rộng là công tác quan trọng hàng đầu giúp tạo miễn dịch cộng đồng ở trẻ. Đến tháng 8, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của thị xã đạt 72%. TTYT thị xã đang chỉ đạo trạm y tế các xã, phường tiếp tục rà soát, tiêm bù, tiêm vét các trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, đảm bảo cung ứng vắc xin…
MAI HOÀNG